Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động

Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 | 8:54

Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được thì lao động của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề được đào tạo chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Trong khi đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp chậm được khắc phục. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong khâu tuyển chọn, đưa lao động đi nước ngoài làm việc, như: Báo cáo không đầy đủ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ký không đúng mẫu hợp đồng, không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thanh lý hợp đồng không theo quy định của pháp luật; thực hiện không đúng các nội dung hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký, được chấp thuận…

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 25-12-2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch 380/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch số 297-KH/TU ngày 19-11-2024 của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 20-CT/TƯ ngày 12-12-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND thành phố, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, người lao động, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại; ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật nước sở tại, cư trú bất hợp pháp.

Nhiệm vụ trước mắt là tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các doanh nghiệp dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, tiến hành thanh tra chuyên đề về tổ chức bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, công tác thu phí.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị duy trì, phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiếp nhận mới; nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho người lao động trước khi cung ứng ra nước ngoài; mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2030, bình quân mỗi năm thực hiện giải quyết việc làm thông qua đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 4.800 người.

Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc duy trì các thị trường hiện có, thành phố cũng cần tích cực tìm kiếm các thị trường mới, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động.

Làm tốt công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.