Nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Sáng 6-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải quyết những vấn đề nổi bật hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương trong phát triển du lịch là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta và được các ngành, vùng, địa phương trong cả nước quán triệt triển khai thực hiện, qua đó đã góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Đáng chú ý, sau giai đoạn dịch Covid-19, với hàng loạt cái "bắt tay chiến lược", du lịch Việt Nam đã hồi phục nhanh chóng và đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần năm 2022; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng.
Riêng 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19; khách du lịch nội địa đạt 52,5 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng…
Phân tích sâu hơn có thể thấy, việc liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả rõ ràng. Đơn cử, Hà Nội đã phối hợp với nhiều địa phương hình thành chuỗi liên kết vùng trong hoạt động du lịch, như: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai); Hà Nội - Cao Bằng - Bắc Kạn; Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Quảng Bình…, nên luôn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng.
Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 11,55 triệu lượt người, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Hay như thành phố Hồ Chí Minh, việc liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ...
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc các ngành, vùng và địa phương liên kết, hợp tác sẽ khai thác được lợi thế, tiềm năng để du lịch đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, địa phương.
Tại Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22-1-2020 về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100-3.200 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 15-17%. Để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương là giải pháp hiệu quả.
Liên kết, hợp tác giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của từng địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Với ý nghĩa, tầm quan trọng này, tại Chỉ thị số 08/CT-TTg (ngày 23-2-2024) về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm "một cung đường - nhiều điểm đến", hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương”.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch (vận tải - lưu trú - tiêu dùng - y tế - giáo dục - sự kiện - thể thao), gắn phát triển du lịch với văn hóa, đời sống; liên kết tour - tuyến, phát triển các tuyến du lịch theo chuỗi điểm đến phong phú…
Trong bối cảnh hiện nay, để triển khai hiệu quả công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch, các bộ, ngành, vùng, địa phương cần đẩy mạnh việc hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương; phối hợp tạo điều kiện để các đơn vị lữ hành nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc. Đặc biệt là cần tăng cường kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú, hấp dẫn, giữ chân được du khách.
Liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương là “chìa khóa” xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển.
Theo Hanoimoi.com
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở