Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò của báo chí trong thực hiện công tác Phổ biến kiến thức và Tư vấn phản biện của Liên Hiệp Hội Việt Nam”.
Mục đích của hội thảo nhằm nâng cao tầm nhận thức, nâng cao kỹ năng để thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của VUSTA. Từ đó tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông báo chí của VUSTA phát triển và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của VUSTA là đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức; chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng.
Thời gian qua, hệ thống báo chí của VUSTA đã luôn chú trọng thực hiện hoạt động công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ… Tuy nhiên, để hoạt động báo chí của VUSTA tiếp tục phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống VUSTA cần phải cố gắng hơn nữa.
Tại hội thảo, Ths Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội VUSTA khẳng định, báo chí có vai trò rất quan trọng và là một kênh tư vấn, phản biện hiệu quả. Bên cạnh đó, báo chí còn là công cụ để lan tỏa thông điệp tư vấn phản biện cũng như góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Ngoài ra, báo chí cũng đã góp phần tạo sự công khai, minh bạch, dân chủ đối với các vấn đề về tư vấn phản biện. Hoạt động tư vấn phản biện sẽ đạt được hiệu quả cao khi dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính thuyết phục cao, các giải pháp, kiến nghị được đưa ra có tính khả thi hoặc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bàn về vấn đề giám sát xã hội mang tính xây dựng của báo chí hiện nay, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hà Nội mới cho biết, từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động giám sát xã hội của báo chí nước ta đạt được những kết quả rất to lớn, phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng chủ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số khuynh hướng bất cập, như trong thực tiễn, thích thổi phồng tin tiêu cực, phanh phui vấn đề mà không quan tâm đến việc có giải quyết được vấn đề hay không, trong nhận thức chỉ nhấn mạnh cách đưa tin khách quan của báo chí mà bỏ qua hiệu quả và hiệu ứng xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận; đồng thời cần nâng cao trình độ giám sát, trình tự giám sát và kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Theo nhà báo Bùi Hoàng Tám (Báo Dân Trí), bản chất của phản biện là sự hoài nghi trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý và đó cũng chính là tinh thần của khoa học. Muốn thuyết phục, ý kiến phản biện phải khách quan, trung thực, mang tính xây dựng và đặc biệt không có động cơ cá nhân.
Tuy nhiên hiện nay, ở một số bài báo, nhất là trên mạng xã hội, thường thiếu đi tính thuyết phục và đáng lo ngại là thái độ trịch thượng, kẻ cả, thiếu tôn trọng người khác, luôn cho là mình đúng và sử dụng ngôn từ không được hoan nghênh.
Để nâng cao vai trò, hiệu quả cũng như chất lượng công tác tư vấn phản biện xã hội nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của VUSTA nói chung, Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội VUSTA, Ths Bùi Kim Tuyến bày tỏ mong muốn, các cơ quan báo chí tăng cường tham gia vào hoạt động này để các thông tin được lan tỏa rộng rãi hơn, chính xác hơn, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; các nhà báo cũng thường xuyên trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh, để mạnh dạn nói thẳng, nói thật, nói công khai, minh bạch một cách độc lập, khách quan các vấn đề cần tư vấn phản biện.
Nhà báo, Tiến sỹ Phạm Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường cho rằng, báo chí muốn thể hiện và phát huy vai trò, trách nhiệm cao cả trong thực hiện tư vấn phản biện xã hội, trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức làm báo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Công chúng ngày càng đòi hỏi nền báo chí cách mạng Việt Nam phải có những tác phẩm, sản phẩm báo chí chất lượng cao. Các nhà báo cần phải đổi mới tư duy làm báo, kết hợp tính chính thống và truyền thống với phong cách tác nghiệp hiện đại, áp dụng chiến lược nội dung đa phương tiện và đa nền tảng, nắm bắt các công nghệ làm báo mới mẻ, tăng cường tính sáng tạo trong các sản phẩm báo chí.