Nâng "sức nặng" tiếng nói của Mặt trận
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị Mặt trận, các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Tiếng nói của Mặt trận, các tổ chức thành viên với chính quyền các cấp qua hoạt động giám sát phải có trọng lượng…
Xây dựng Đảng, chính quyền
Trong năm 2022, thực hiện Quyết định số 2107 (ngày 30/12/2014) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân”, Đoàn giám sát do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca làm Trưởng đoàn có buổi giám sát Ban cán sự đảng UBND tỉnh và cá nhân ông Lê Trí Thanh - Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Võ Xuân Ca đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh và người đứng đầu chính quyền quan tâm, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cần trả lời kịp thời các ý kiến góp ý, kiến nghị từ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Ông Ca cho biết, những kiến nghị Mặt trận gửi đến UBND tỉnh đều được chắt lọc kỹ sau khi thực hiện kiểm tra, giám sát từ thực tiễn, chứ không phải “nghe nói” rồi kiến nghị không có cơ sở.
Do đó, khi nhận được văn bản kiến nghị chính đáng từ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thì Ban cán sự đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan, đơn vị tiếp thu, phản hồi. Việc tiếp thu, trả lời sớm sẽ nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện của Mặt trận.
“Thể chế chúng ta ngoài lập pháp, hành pháp, tư pháp thì còn có thiết chế quan trọng qua kênh Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia xây dựng chính quyền. Chính vì thế, nếu phát huy tốt thì vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ được nâng cao hơn nữa. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cần phải quán triệt sâu sắc trách nhiệm giải trình các ý kiến, kiến nghị của nhân dân”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, ông Lê Trí Thanh cho biết, các nội dung Quyết định 2107 nếu thực hiện tốt sẽ giúp cho Quảng Nam rất nhiều, đặc biệt giúp củng cố chính quyền vững mạnh. Ban cán sự đảng và Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh sẽ rút kinh nghiệm để phát huy tốt hơn, triển khai chặt chẽ hơn, với tinh thần “làm mọi cách để tiếp thu được ý kiến nhân dân một cách tốt nhất” thông qua các kênh Đoàn ĐBQH, HĐND, Mặt trận… Những ý kiến góp ý, kiến nghị, UBND tỉnh sẽ cố gắng trả lời nhanh nhất, có trách nhiệm hơn trong thời gian sắp đến.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, năm 2022 Mặt trận tỉnh chủ trì tổ chức giám sát chuyên đề 8 nội dung quan trọng như việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt; thực hiện quy định pháp luật về hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo; cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư miền núi; việc thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại các buổi tiếp công dân…
Trong khi đó, Mặt trận cấp huyện, cấp xã chủ trì tổ chức 466 cuộc giám sát tại 625 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tại cơ sở, các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 987 vụ việc, công trình, dự án…, phát hiện và kiến nghị khắc phục, giải quyết 274 vấn đề hạn chế, vướng mắc, vi phạm.
Đổi mới nội dung, phương thức
Đây cũng là một trong 7 nhiệm vụ mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2022. Công tác giám sát, phản biện đã thực hiện tốt, nay có Chỉ thị 18 thì cần làm tốt hơn. Giám sát việc gì phải ra việc đó; tiếng nói của Mặt trận, các tổ chức thành viên với chính quyền các cấp qua giám sát, phản biện phải có trọng lượng…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2022. Ảnh: VINH ANH
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư là một trong những công cụ hữu hiệu để MTTQ Việt Nam triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện trong thời gian tới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Đỗ Văn Chiến cho biết, không phải đến thời điểm này Đảng ta mới chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà trong Quy định 217 và Luật MTTQ Việt Nam đã đề cập rõ vấn đề này.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên kết quả triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đạt được như mong muốn. Bởi vậy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 18 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, Ban Bí thư đề nghị MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam