Nâng vị thế, trách nhiệm phản biện, giám sát của hội

Thứ hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022 | 17:22

- Theo ông Đỗ Hữu Trí - Phó bí thư Quận ủy quận 8 - đối thoại với cán bộ, hội viên hội phụ nữ là cơ hội để lãnh đạo Quận ủy, các ban ngành lắng nghe và giải quyết vụ việc đến cùng.

Lên tiếng về dự án chậm trễ, nạn ô nhiễm tiếng ồn

Gần 50% của hơn 30 ý kiến phát biểu mong muốn lãnh đạo các ban ngành, chính quyền địa phương có những động thái mạnh mẽ, tích cực hơn trước những dự án chậm tiến độ để cải thiện hạ tầng cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân. 

 

Cụ thể, hội viên phụ nữ tại phường 4 phản ánh chung cư Phạm Thế Hiển trên địa bàn đã xuống cấp trầm trọng, cư dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương cũng như trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tại phường 5, khu vực từ 283 Bông Sao đến công trình Vạn Hưng Phát (khu phố 3) bị bỏ hoang đã quá lâu, nước đọng, cỏ mọc um tùm, gây mất vệ sinh môi trường. Phường và khu phố phải thường xuyên quét dọn, mất nhiều công sức nhưng không có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị chính quyền xóa bỏ dự án công viên cây xanh khu phố 3 cũng như dự án mở rộng hẻm 127 Bùi Minh Trực vì đã quy hoạch khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

150 hội viên phụ nữ đại diện cho phụ nữ quận 8 tiếp xúc, đối thoại cùng lãnh đạo Quận ủy và các ban ngành quận 8
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  
150 hội viên phụ nữ đại diện cho phụ nữ quận 8 tiếp xúc, đối thoại cùng lãnh đạo Quận ủy và các ban ngành quận 8
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đặc biệt, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, hè phố trên đường Phạm Thế Hiển (địa bàn phường 6) không chỉ gây mất vệ sinh môi trường mà còn gây cản trở giao thông, nhất là giờ cao điểm. “Hội Phụ nữ phường cùng các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ cam kết không kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường đã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình trên tuyến đường không kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng buôn bán lấn chiếm. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường đa phần là người ngoài địa phương, buôn bán không ổn định nên việc tuyên truyền, vận động không mang lại hiệu quả cao” - đại diện hội viên, phụ nữ phường 6 phản ánh.

Bức xúc vì tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra nhiều năm nay nhưng không được khắc phục, bà Ngô Thị Chiêu - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 2, phường 14 mong muốn chính quyền phải xử lý triệt để. “Thỉnh thoảng họ ca vui chốc lát không ai nói gì, nhưng hát đến 10 - 11g đêm khiến người già không thể nghỉ ngơi, trẻ em không thể tập trung học hành thì quá sức chịu đựng” - bà Ngô Thị Chiêu nói. 

Phải đeo bám. giải quyết đến nơi 

Trả lời kiến nghị của hội viên phụ nữ, ông Lưu Quang Huy Quan - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 - cho biết, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn trong các khu dân cư được người dân phản ánh rất nhiều thông qua các hội nghị tiếp xúc tại phường, quận, thành phố, tuy nhiên, quá trình xử lý hiện còn rất khó khăn, phần lớn do vướng những quy định pháp luật về xử lý. Theo ông Huy Quan, 3 khó khăn đó là, phải phát hiện tại thời điểm có phát sinh tiếng ồn; kết quả đo đạc phải do đơn vị tư vấn độc lập; có pháp nhân thực hiện và thời gian xử lý phải sau 22g. “Do đó, trong 3 năm triển khai xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư trên địa bàn quận 8, chúng tôi chưa xử lý được trường hợp nào. Trong thời gian qua, chủ yếu tập trung xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke, buôn bán trên địa bàn” - ông Huy Quan cho biết. 

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 cũng đưa ra một số giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, đó là phối hợp với các ban ngành để tham mưu điều chỉnh các quy định của pháp luật sao cho đảm bảo tính khả thi. Trước mắt, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Phòng Văn hóa và ủy ban 16 phường thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Trước vấn đề vừa nêu, ông Đỗ Hữu Trí - Phó bí thư Quận ủy quận 8 - cho rằng, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề “nói hoài nói mãi”. Do đó, ông mong muốn lãnh đạo các ban ngành thay vì chờ đợi sửa đổi văn bản thì nên nghiên cứu xem có cách nào khác để người dân hạn chế việc gây ảnh hưởng đến người khác. Ông Đỗ Hữu Trí cũng cho rằng, những phản ánh của hội viên phụ nữ về vấn đề quản lý đô thị là những vấn đề thực tiễn ở cơ sở, cũng chính là bức xúc chung của người dân. “Đối thoại là cơ hội để lãnh đạo Quận ủy, các ban ngành lắng nghe và giải quyết. Cho nên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền và có điều kiện giải quyết phải được giải quyết. Vấn đề nào không thuộc thẩm quyền, phải đeo bám liên tục để kiến nghị tới cùng, tinh thần là phải giải quyết đến nơi đến chốn” - ông Đỗ Hữu Trí chỉ đạo. 

Ông Đỗ Hữu Trí cũng đề nghị các cấp hội, cán bộ hội phải có sự phối hợp, cố gắng làm tốt việc tuyên truyền pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến từng người dân bằng những đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Hội LHPN quận và cơ sở cần tìm cách nâng cao vị thế, trách nhiệm trong các hoạt động phản biện, giám sát để kịp thời nắm bắt thông tin cũng như phối hợp cùng các ngành giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. 

Thu Lê