Né nhiệm vụ - thói xấu cần loại bỏ ngay
Hiện nay, tình trạng né việc hoặc làm việc cầm chừng, có cách nghĩ "không làm thì không sai" diễn ra khá phổ biến. Thói xấu này cần loại bỏ ngay để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự vững mạnh.
1. Né việc được hiểu là hành vi đẩy việc cho người khác, cho bộ phận khác vì các lý do khác nhau. Né việc là hành vi xấu, sợ trách nhiệm do không đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn; do nhận thấy không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi quá ít từ công việc, sợ bị liên lụy phiền hà, sợ tốn công mất sức và đặc biệt là sợ sai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ nguyên nhân của căn bệnh trên là do: "Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm".
Né việc dẫn đến việc phân phối công việc không đều, người phải làm nhiều việc, người thì làm ít, khiến cho tiến độ thực hiện các nhiệm vụ bị kéo dài, ảnh hưởng đến nhiệm vụ khác. Ở phạm vi rộng, né việc, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến nhiều nguồn lực của đất nước không được khơi dậy và phát huy, làm mất thời cơ và cơ hội, không tận dụng được lợi thế, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, tình trạng cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, ngại việc trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều nơi. Né việc thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp…
Có nhiều cách né việc. Thông thường là cách làm công văn xin ý kiến cấp trên cả những việc có thể quyết ngay, thuộc thẩm quyền. Tiếp đó là cách dựa vào chức năng, nhiệm vụ để “đá việc” sang cơ quan, đơn vị khác. Cũng có tập thể, cá nhân “không chịu” tham mưu cho cấp trên tổ chức nhiệm vụ, cho dù có thể đề xuất bằng nhiều cách.
Tuy nhiên, cũng có kiểu né việc trực diện, thường bộc lộ ở những thời điểm khó khăn, phức tạp. Đơn cử, cách đây hơn 1 tuần, ngày 13-9, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày với ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Trung Lèng Hồ và ông Lý A Khoa, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo do cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước đó, khi bão số 3 đổ bộ vào nước ta, các trường hợp trên đã không có mặt tại trụ sở UBND xã để thực hiện công tác trực ứng phó bão số 3…
2. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy, phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đi đôi với đó là tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trong đó, ngày 23-5-2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 148-QĐ/TƯ về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là “cây gậy” để trị bệnh né việc. Theo Điều 4 quy định này, các căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết bao gồm: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để chấm dứt hiện tượng né việc của cán bộ, cùng với việc thực hiện nghiêm Quy định số 148-QĐ/TƯ, điều căn cốt là các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Không chỉ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm để giao trọng trách mà còn phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát cũng như có chính sách thỏa đáng, động viên cán bộ yên tâm làm việc, dám nghĩ, dám làm và quan trọng hơn là dám chịu trách nhiệm.
Cũng cần giao nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho cơ quan, đơn vị và cho cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị một cách rõ ràng. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu thì cần xem xét điều chuyển cán bộ sang vị trí khác, chọn người phù hợp hơn. Việc giao chỉ tiêu và quy trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có tác dụng rất lớn đến việc đốc thúc để công việc đạt tiến độ kế hoạch.
Đi đôi với lựa chọn cán bộ tốt, đồng thời cần đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Một cán bộ tốt nhưng được giao vào một vị trí công việc chưa phù hợp cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ đó. Nếu cán bộ giữ vị trí chủ trì thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công việc của cơ quan, đơn vị.
Cũng vì né việc và sợ trách nhiệm nên trong bộ máy nhà nước tồn tại những cán bộ không có tinh thần dấn thấn, nhiệt huyết, nỗ lực, chủ động thực hiện nhiệm vụ mà thay vào đó là tình trạng làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cần có quyết tâm loại bỏ cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né nhiệm vụ, trách nhiệm ra khỏi tổ chức, bộ máy.
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam