Nên có công cụ để giám sát giá

Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 | 10:36

Một số chuyên gia đề xuất cần bỏ khung giá trần vé máy bay để giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, tạo nền tảng phát triển lành mạnh cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay dễ dẫn đến việc được tự định giá tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Nên có công cụ để giám sát giá
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: H.P

Tại tọa đàm về khơi thông cơ chế, tiếp sức hàng không Việt diễn ra mới đây, hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó, tăng và tiến tới bỏ mức trần để hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến cáo.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng duy trì trần giá vé máy bay nội địa là “một sự vô lý kinh khủng”, kìm hãm sự phát triển của hàng không nội địa và cần bỏ càng sớm càng tốt. Theo ông Nam, trên thế giới không còn quốc gia nào quy định trần giá vé máy bay.

Trong trường hợp nếu bỏ giá trần, ông Lương Hoài Nam lưu ý các hãng bay không được ngồi lại với nhau để thỏa thuận giá bởi sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng. Ông Nam cho biết ở nước ngoài đã có trường hợp nhẹ thì bị phạt hàng trăm triệu USD, nặng thì người tham gia bị phạt tù.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị sớm hay muộn cũng phải bỏ giá trần. Tuy nhiên, ông Đạt gợi ý cơ quan quản lý nên đưa ra một công thức điều hành giá vé máy bay như giá xăng, dầu. “Không có giá trần thì chúng ta nên tạo ra một công thức, một khung dao động mở, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, phù hợp lợi ích người dân”, ông Đạt cho hay.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay chúng ta đã hội nhập, không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp.

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng bỏ giá trần thì cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp hàng không, phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm không bị các hãng “bắt tay nhau ép giá” khách hàng. Các hãng nên đa dạng phân khúc khách hàng theo từng mức giá, quản trị cải thiện minh bạch hơn nữa, tái cấu trúc quyết liệt hơn, bao gồm cả chuyển đổi số để bứt phá.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam chưa phải đúng nghĩa kinh tế thị trường bởi hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí cần rất nhiều điều kiện để được cấp phép hoạt động. Do đó, việc có giá trần để cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, bảo đảm quyền lợi của hành khách là cần thiết.

Nhiều quan điểm khẳng định rằng, yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia.

Cũng có ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Lại có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần lập ra một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, các hãng có thể đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, kịp thời, phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào cũng như diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào, Nhà nước cũng cần có các công cụ để giám sát, điều tiết, chống độc quyền, bắt tay thao túng giá cả làm tổn hại đến người tiêu dùng.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/