Nga nỗ lực độc lập công nghệ, thoát khỏi lệ thuộc phương Tây

Thứ bảy, ngày 28 tháng 5 năm 2022 | 0:4

Bằng những phương thức “thô sơ”, Kremlin đã từng chút một hiện thực hóa mục tiêu từng bị xem là “không tưởng”: thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ phương Tây.

Chỉ vài năm trước, nỗ lực độc lập công nghệ của Nga dường như là giấc mộng xa vời và rất khó đạt được. Tại một hội thảo công nghệ tháng 8/2019, kỹ sư phần mềm trưởng của một trong những hãng bảo mật lớn nhất Nga từng nói rằng, dán một con tem Nga vào bao bì không đồng nghĩa thứ nằm bên trong được sản xuất tại Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay robot tại một doanh nghiệp viễn thông. (Ảnh: Getty)

Ngày nay, Nga là một trong số ít những quốc gia có nền tảng nội địa cạnh tranh được với các dịch vụ trực tuyến phương Tây. Trong nhiều năm, Nga tự hào sở hữu hệ thống ngân hàng trực tuyến hiện đại nhất châu Âu, thậm chí hơn cả Nhật Bản. Trong ngắn hạn, công nghệ là một trong ngành tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Nga, kết quả của lực lượng kỹ sư đông đảo bậc nhất thế giới cùng hệ thống giáo dục kỹ thuật trên toàn quốc được đánh giá cao.

Dù vậy, nhiều vấn đề sống còn vẫn chưa biến mất. Hạ tầng Internet Nga được xây dựng trên nền công nghệ Mỹ, chủ yếu là Cisco. Từ giữa thập niên 90, ngành công nghiệp địa phương không thể mang đến công nghệ hiện đại do chúng đi sau phương Tây từ 20 tới 25 năm. Trong vòng 3 năm, hơn 70% tổng số trạm điện thoại liên tỉnh của Nga được thay bằng loại kỹ thuật số tiên tiến do nước ngoài sản xuất. Từ đó, Internet Nga đi qua và được điều hướng bằng công nghệ Mỹ.

Nga cũng đi sau phương Tây trong sản xuất phần cứng, đặc biệt là vi chip. Dù có nhiều nỗ lực trong những năm 1990, 2000 nhằm phát triển một đối thủ ngang tầm Silicon Valley tại thị trấn Zelenograd cách Moscow 25 dặm, tuy nhiên, tất cả đều thành thảm họa. Kỹ sư phần mềm Nga có thể thiết kế một sản phẩm tốt nhưng quy mô nhỏ, khi xử lý lượng dữ liệu khổng lồ cần thiết, như với hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu lớn, chúng thường thất bại. Ngay cả Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cũng buộc phải chạy cơ sở dữ liệu chống khủng bố trên nền tảng Oracle, một công ty Mỹ.

Trong khi các nền tảng mạng xã hội Nga vẫn được người dùng trong nước ưa chuộng, WhatsApp đã có bước đột phá nhờ tính năng chat nhóm, thứ mà các giáo viên và người dân sống ở khu chung cư yêu thích. Hầu hết người Nga cũng xem YouTube, còn Microsoft Office hiện diện trong hầu hết máy tính cả nước.

Đó là thực trạng của 7 năm trước. Thay thế nhập khẩu là một trong các mục tiêu chính sách lớn của Điện Kremlin. Nhà quản lý viễn thông Roskomnadzor bận rộn cung ứng phần cứng cho hạ tầng Internet quốc gia để phục vụ cái gọi là “chủ quyền Internet”. Bộ Thương mại Nga yêu cầu các nhà phát triển phần mềm như 1C và Parus điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với vi xử lý do Nga sản xuất. Mục tiêu của chính phủ là 70% mua sắm công nghệ dựa trên chip nội địa vào năm 2023. Nhằm thực hiện mục tiêu này, tập đoàn quốc doanh Vnesheconombank đã tiếp quản nhà máy chip tại Zelenograd để tái khởi động sản xuất.

Chính phủ cũng đẩy mạnh để biến MyOffice do một công ty Nga sản xuất trở thành bộ ứng dụng mặc định trên laptop và máy tính, thay thế Microsoft Office. Đồng thời, Bộ phát triển Kỹ thuật số soạn thảo các quy định để yêu cầu tất cả trường học, hệ thống y tế và quan chức chính phủ chuyển sang “nền tảng giao tiếp công việc” được chính phủ hậu thuẫn, bao gồm phần mềm email, nhắn tin và video call trong nước. Bộ Giáo dục ra quy định, buộc giáo viên phải liên lạc với học sinh, phụ huynh qua ứng dụng nhắn tin của Nga, gây ảnh hưởng lớn đến WhatsApp và Zoom.

Với những giải pháp mà Nga chưa có sẵn, Điện Kremlin chuyển sang hướng sử dụng nguồn mở. Chẳng hạn, các Bộ ngành, cơ quan nhà nước được đề nghị bỏ Oracle sang dùng giải pháp dựa trên hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu PostgresQL. Dù đây không phải sản phẩm của Nga mà được phát triển tại Đại học California, người ta tin rằng công nghệ nguồn mở sẽ miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt phương Tây.

Tất nhiên, Nga cũng muốn đảm bảo YouTube gặp cạnh tranh từ các nền tảng nội. Năm 2019, Yandex ra mắt dịch vụ video và Rutube được tái đầu tư với các nguồn vốn mới từ Gazprom Media.

Nỗ lực tự cường công nghệ của Nga đã có thành quả. Chẳng hạn, Trung tâm đổi mới Skolkovo năm 2021 cho biết Mir đã vượt qua Visa và Mastercard trở thành nhà cung cấp thẻ tín dụng hàng đầu quốc gia, được 42% người Nga sử dụng. Mir do Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia Nga điều hành, được phát triển nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Những phương thức Điện Kremlin triển khai để buộc người Nga dùng công nghệ Nga có thể “thô sơ” song lại hiệu quả. Chính phủ Nga cũng đang đạt những bước tiến chậm mà chắc trong việc hướng mọi người vào một thế giới kỹ thuật số của riêng mình.

 

 

Nguồn https://vietnamnet.vn/nga-no-luc-doc-lap-cong-nghe-thoat-khoi-le-thuoc-phuong-tay-2023477.html