Ngầm hóa cáp viễn thông để an toàn trước thiên tai: "Bài toán" đẩy nhanh tiến độ

Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024 | 12:52

Trong cơn bão số 3, tại vùng tâm bão Hải Phòng và Quảng Ninh, nhiều thời điểm mạng viễn thông gần như tê liệt. Có nhà mạng phải mất thời gian khá lâu mới khôi phục được sóng di động.

Điều này đặt ra vấn đề về việc duy trì thông tin, kết nối liên lạc, đặc biệt là thông tin chỉ đạo điều hành trong điều kiện thiên tai, địch họa, trong đó đã đến lúc đẩy nhanh việc ngầm hóa cáp viễn thông.

nhan-vien-ky-thuat-cua-vnpt.jpg

Nhân viên kỹ thuật của VNPT Hà Nội hạ ngầm cáp viễn thông tại quận Cầu Giấy.

Viễn thông thiệt hại nặng nề

Siêu bão số 3 (Yagi) với sức gió giật cấp 17 khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã gây ra nhiều thiệt hại cho mạng lưới viễn thông. Hàng nghìn trạm thu phát sóng bị mất liên lạc (do mất điện) và hàng chục cột ăng ten bị gãy, đổ. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho biết, ngoại trừ mạng VNPT/VinaPhone được duy trì và khôi phục sớm, các mạng khác đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế sau bão nhiều ngày, người dân Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh khác vẫn không thể liên lạc được với nhau...

Cũng theo bà Lê Ngọc Hân, trước sự tàn phá của bão số 3, các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính bị thiệt hại nặng nề. Chính quyền các địa phương đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem lại tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực viễn thông để đáp ứng được các tình huống thảm họa thiên tai (hiện các quy chuẩn mới ở tình trạng thông thường). Cùng với đó cần xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp để phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công, VNPT luôn tuân thủ nguyên tắc xây dựng mạng lưới bền vững, có hướng tuyến dự phòng, bảo đảm độ an toàn mạng lưới trong trường hợp xảy ra sự cố. Hầu hết các tuyến cáp truyền dẫn chính đều được kéo ngầm trong cống bể hoặc chôn trực tiếp, do vậy giảm thiểu sự cố do đứt cáp. Bên cạnh đó, VNPT định kỳ chủ động rà soát, nâng cao độ an toàn mạng lưới tại những khu vực có nguy cơ bị cô lập do bão, lụt, thiên tai. Khi xảy ra sự cố, VNPT có cơ chế điều động nhân lực trên toàn quốc để tập trung khắc phục, xử lý.

Cho đến thời điểm này, chưa có tổng kết, đánh giá về thiệt hại mạng lưới thông tin và truyền thông do bão số 3 và lũ lụt gây ra, song chắc chắn thiệt hại là không nhỏ. Thông tin ban đầu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngoài trạm thu phát sóng (BTS), hàng nghìn ki lô mét cáp quang bị đứt, gãy với thiệt hại nặng nề. Đến nay, trừ những điểm chưa có điện lưới, các nhà mạng đã cơ bản khôi phục mạng lưới phát sóng trở lại.

Cần chú trọng hạ ngầm

Theo đại diện Tập đoàn VNPT, việc ngầm hóa mạng cáp quang đã được VNPT triển khai từ trước năm 2000 nhằm bảo đảm an toàn mạng lưới và mỹ quan đô thị. Hiện nay, tại các tuyến phố chính, các khu đô thị, VNPT tiếp tục ngầm hóa mạng cáp theo quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động do UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt, hoặc hạ ngầm mạng cáp tại những tuyến phố theo yêu cầu của chính quyền địa phương…

Tại Hà Nội, VNPT Hà Nội là đơn vị tham gia hạ ngầm đường dây đi nổi trên 152 tuyến phố. Trong đó, VNPT trực tiếp là chủ đầu tư 59 tuyến (tương đương 36,5km) và cùng tham gia hạ ngầm 123 tuyến (tương đương 85km). Các tuyến VNPT Hà Nội đầu tư là Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy - Gầm Cầu; hồ Hoàn Kiếm - Cầu Gỗ - Trần Nhật Duật - Hàng Đậu - Phùng Hưng; Linh Lang, Khâm Thiên, Hàng Bè...

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, từ trước năm 2010, thành phố Hà Nội đã có chủ trương hạ ngầm đường dây đi nổi. Đến năm 2016, thành phố ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), VNPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) để ngầm hóa đường dây, cáp điện lực, viễn thông. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố chấp thuận cho các doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư hạ ngầm tại 255 tuyến, tương đương 362 đường, phố khu vực nội thành, với tổng chiều dài hơn 230km. Đến nay, các đơn vị hoàn thành xây dựng hạ tầng cống bể tại 174/255 tuyến phố, đã cắt dây hạ cột tại 116 tuyến. Giai đoạn 2021-2025, thành phố hạ ngầm 100% hệ thống đường dây, cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại khoảng 300 tuyến phố…

Từ câu chuyện mạng lưới viễn thông mất liên lạc trong bão lũ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, toàn ngành cần xem đây là một bài học để tăng cường chuẩn bị cơ sở hạ tầng viễn thông cho những tình huống thiên tai tương tự. “Trong thiên tai, điều quan trọng nhất là duy trì được thông tin liên lạc để bảo đảm chính quyền điều hành ứng phó. Do vậy, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương cần thúc đẩy việc kiên cố hóa mạng lưới viễn thông”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi huyện phải có ít nhất một nhà trạm kiên cố, vững chắc với máy phát điện dự phòng, đường cáp quang trục, bảo đảm kết nối thông tin liên lạc trong mọi trường hợp. Với cấp xã, chính quyền cũng nên có phương án chung tay với các nhà mạng tìm vị trí để xây dựng nhà trạm vững chắc.

Các đơn vị phải thông báo, hướng dẫn người dân cách chọn mạng tự động trước khi bão đổ bộ, bảo đảm thông tin không bị gián đoạn khi các nhà mạng chia sẻ sóng di động (roaming). Đặc biệt, việc ngầm hóa hạ tầng viễn thông thực sự quan trọng, cấp thiết bởi đây là giải pháp mang tính lâu dài, giúp hạn chế tối đa thiệt hại khi bão xảy ra. "Mạng lưới viễn thông giờ đây không chỉ còn là hạ tầng để thực hiện cuộc gọi mà đã trở thành hạ tầng số, là hạ tầng của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu.