Ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong thi hành pháp luật

Thứ tư, ngày 20 tháng 3 năm 2024 | 15:38

Thời gian qua, công tác tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện một cách sát sao, đồng bộ, cụ thể và kịp thời.

Trong đó, đa số các bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã tổ chức biên soạn tài liệu một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, ứng dụng mạng xã hội, website của các bộ, cơ quan ngang bộ…

Việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng và chính thống hệ thống pháp luật, đặc biệt là những văn bản luật mới được Quốc hội thông qua, đã giúp các luật, nghị quyết đi vào thực tiễn hiệu quả, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Đáng chú ý, hầu hết nội dung các luật đều nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là những vấn đề trọng tâm, những quy định mới có tác động sâu rộng trong đời sống xã hội. Các văn bản luật đi vào cuộc sống đều bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hiện nay, số lượng các luật, nghị quyết mới của Quốc hội nhiều hơn nên khối lượng công việc trong tổ chức triển khai đòi hỏi cao hơn, kịp thời hơn. Trong đó, phải kể đến những luật, nghị quyết quan trọng Quốc hội thông qua trong những kỳ họp gần đây được nhân dân đặc biệt quan tâm như: Luật Đất đai, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tài nguyên nước, Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu… Đây đều là những văn bản luật có số lượng điều luật, nội dung giao các cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ để sớm cụ thể hóa trong cuộc sống. Do vậy, các cơ quan chức năng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc để nỗ lực, khẩn trương và sớm triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Công tác tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết là nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề nhằm giúp chính quyền, người dân, doanh nghiệp sớm nắm bắt các chính sách mới, chủ động chuẩn bị phương án, nguồn lực triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Với tinh thần nhất quán này, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ sáu và kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 7-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh quan điểm trong tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.

Trên thực tế, tình trạng pháp luật chưa được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để vẫn còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và tình trạng này thậm chí diễn ra ngay trong chính đội ngũ công chức, viên chức đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, để chống “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật, trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, phải tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc tham gia vào theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền lực của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thực hiện thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận các quy định pháp luật. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi vi phạm pháp luật; tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp cũng phải được chú trọng hơn nữa. Chỉ có như vậy, hệ thống pháp luật mới thực sự bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.