Ngân hàng "chạy hết tốc lực" xác thực sinh trắc học, có nơi đạt 90% lượng khách
- Đếm ngược chỉ còn 4 ngày, các ngân hàng đang chạy hết tốc lực hỗ trợ người dùng xác thực sinh trắc học trên đa kênh, tránh để giao dịch trên kênh số bị gián đoạn. Hiện có ngân hàng đã có 90% khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến giữa tháng 12/2024 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học. Sau hơn 3 tháng triển khai, số vụ lừa đảo giảm 50% và số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng tài khoản thanh toán khách hàng cá nhân trong hệ thống ngân hàng đạt 197,97 triệu tài khoản tính đến cuối quý III/2024 thì ngành Ngân hàng vẫn cần tăng tốc hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đến ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng phải đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học.
Tránh để gián đoạn giao dịch trên kênh số
Theo đại diện TPBank, với thẻ chưa xác thực sinh trắc học sau ngày 01/01/2025, khách hàng sẽ bị gián đoạn giao dịch trên kênh trực tuyến như: thanh toán mua sắm trực tuyến (e-commerce), rút tiền bằng mã QR hay nạp tiền vào ví.
"Khách hàng chỉ được phép rút tiền bằng thẻ vật lý tại ATM/VTM/CDM. Các giao dịch chuyển khoản bằng thẻ vật lý tại ATM/VTM/CDM cũng không thực hiện được khi chưa có sinh trắc học" - đại diện TPBank lưu ý.
Nếu chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp, rút hoặc chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng. |
Đếm ngược chỉ còn 4 ngày, các ngân hàng đang chạy hết tốc tích cực hỗ trợ người dùng xác thực sinh trắc học trên đa kênh, bao gồm tích hợp dịch vụ xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, nhằm đảm bảo giao dịch thông suốt và an toàn.
Đại diện TPBank cho biết, ngân hàng đã triển khai hàng loạt các hoạt động về truyền thông từ tháng 7/2024 đến nay để truyền tải thông điệp về tính cần thiết của việc sinh trắc học tới khách hàng qua các kênh như: email, zalo sms, website, qua các ứng dụng, facebook, quầy giao dịch, tổng đài chăm sóc khách hàng và qua cán bộ bán hàng trực tiếp trước thời điểm 1/1/2025.
Hiện nay, khách hàng có thể thực hiện xác thực sinh trắc học tại nhiều kênh giao dịch của TPBank như ứng dụng của ngân hàng thông qua NFC và VNeID quầy giao dịch, LiveBank 24/7.
90% khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học “Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch. SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1/1/2025 tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng. Tôi tin mục tiêu này có thể đạt được với tất cả sự nỗ lực của ngân hàng và hợp tác của khách hàng” - ông Thái tin tưởng. |
Cũng theo ông Chu Lâm Thái - Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin tại ngân hàng SHB, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch. Điều này cho thấy sự quan tâm tích cực của khách hàng trong việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu của NHNN.
Để có được kết quả trên, theo ông Thái, ngay khi có quy định từ NHNN, SHB đã thành lập tổ dự án 2345 thực hiện đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học một cách kỹ lưỡng và thực hiện thiết kế kiến trúc tổng thể trên tất cả các lớp ứng dụng, hệ thống liên quan, tránh bỏ sót.
Sự phối hợp nhịp nhàng và phân chia trách nhiệm hợp lý giữa các bộ phận trong dự án là yếu tố then chốt đã giúp ngân hàng giải được bài toán thời gian gấp rút phải hoàn thành việc xác thực sinh trắc học.
Người nước ngoài chưa thể xác thực sinh trắc học có đáng lo?
Với những khách hàng đang ở nước ngoài chưa có căn cước công dân gắn chip, theo đại diện TPBank, để đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN, khách hàng đang ở nước ngoài cũng buộc phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch tài chính với TPBank.
Đối với giao dịch phi tài chính, khách hàng vẫn có thể vào ứng dụng TPBank để xem thông tin liên quan đến tài khoản. Ngoài ra, TPBank đều có thông báo liên quan đến biến động số dư qua các kênh như: thông báo trên ứng dụng với khách hàng có ngân hàng điện tử ebank; tin nhắn sms với khách hàng đăng ký dịch vụ; email cho khách không có ebank và sms.
"Trường hợp khách hàng có nhu cầu giao dịch tài chính (trong trường hợp chưa thu thập được sinh trắc học) thì có thể ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán tại lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, người được ủy quyền sẽ đến quầy giao dịch của TPBank để thực hiện giao dịch" - đại diện TPBank nêu rõ. |
Với những khách hàng chưa thực hiện sinh trắc học thì sau khi làm bổ sung (sau ngày 1/1/2025), tài khoản vẫn được hoạt động bình thường, hệ thống TPBank sẽ ghi nhận và đảm bảo giao dịch của khách hàng được thông suốt, không gián đoạn.
Cũng theo đại diện TPBank, thông tư của NHNN có những quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ người dùng khi thanh toán trực tuyến trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi và có các thủ đoạn đánh cắp thông tin, đánh cắp tài sản, lừa đảo gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển của hoạt động ngân hàng số.
Việc quy định "Không cho phép chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập” là một biện pháp giúp tăng cường khả năng đảm bảo an toàn bảo mật cho tài khoản khách hàng khi giao dịch trực tuyến, tránh tình trạng lộ thông tin do mật khẩu bị lạm dụng hoặc mất cắp.
Với ứng dụng TPBank, người dùng hiện tại hầu như đã quen với việc sử dụng faceID/touchID của thiết bị để đăng nhập thay vì phải nhập mật khẩu. Do khách hàng có thể đăng nhập bằng khuôn mặt/vân tay trên thiết bị, việc ghi nhớ mã khóa bí mật không còn là nỗi lo của phần lớn khách hàng tại TPBank, người dùng không phải nhớ và nhập mật khẩu mỗi lần giao dịch mà vẫn đảm bảo được tính an toàn.
Trong trường hợp khách hàng chẳng may quên mật khẩu hay có nhu cầu sử dụng mật khẩu đăng nhập, bằng việc ứng dụng công nghệ sinh trắc học tiên tiến nhất hiện tại, TPBank hỗ trợ khách hàng thực hiện đặt mật khẩu mới chỉ với vài thao tác đơn giản.
Như vậy, bằng việc sử dụng sinh trắc học, người dùng có thể yên tâm rằng hoạt động giao dịch trực tuyến của mình sẽ không bị gián đoạn mà còn được tăng cường bảo mật, các thao tác cũng rất dễ dàng, thuận tiện./.
- Tỷ giá hôm nay (2/1): Đồng USD thế giới vẫn lạc quan trong thời gian tới, “chợ đen” ít thay đổi
- Giá USD ngân hàng lên đỉnh lịch sử, tăng khoảng 4,6% cả năm 2024
- Tỷ giá hôm nay (31/12): Đồng USD thế giới tăng nhẹ trở lại, “chợ đen” tăng chậm
- Tỷ giá hôm nay (30/12): Đồng USD thế giới giao dịch phạm vi hẹp, “chợ đen” nhích tăng
- Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát, ngăn giá vàng SJC vênh cao so với thế giới
- Dự báo "gam màu sáng, tối" trong bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng quý cuối năm
- Tỷ giá hôm nay (26/12): Đồng USD thế giới dừng tăng, “chợ đen” tiếp tục giảm
- Tỷ giá hôm nay (25/12): Đồng USD thế giới tăng nhẹ, “chợ đen” quay đầu giảm mạnh
- Tỷ giá hôm nay (24/12): Đồng USD thế giới tiếp tục quỹ đạo tăng, “chợ đen” tăng mạnh chiều bán ra