Ngân hàng giảm kỳ vọng lợi nhuận, nhưng bức tranh không quá xấu
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thực hiện cho thấy kỳ vọng kinh doanh của các ngân hàng đang có phần kém lạc quan hơn so với báo cáo quý trước. Tuy nhiên, các số liệu về tín dụng vẫn ghi nhận đà tăng tốc và điểm sáng đáng chú ý là trạng thái thanh khoản hệ thống vẫn được duy trì tốt.
Các tổ chức tín dụng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2024. Ảnh tư liệu |
Giảm kỳ vọng lợi nhuận năm 2024
Theo điều tra về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2024 do Vụ Dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng trong quý III/2024 có cải thiện so với quý II/2024 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền trong cùng kỳ.
Tác động của chính sách và môi trường cạnh tranh Các tổ chức tín dụng khi được khảo sát đã cho rằng, “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” được kỳ vọng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, yếu tố từ “sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” tiếp tục được đánh giá là nguyên nhân quan trọng nhất tác động tiêu cực làm suy giảm tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý III/2024 và dự kiến cả năm 2024. |
Trong quý IV/2024 và cả năm 2024, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD trong nội dung trả lời khảo sát cho biết đã tiếp tục xu hướng giữ ổn định hoặc điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ. Đồng thời, 17% TCTD cho biết dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ trong quý IV/2024, chủ yếu là tăng phí dịch vụ, trong khi vẫn dự kiến giảm lãi suất biên. Tính chung trong cả năm 2024, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được các TCTD ước tính giảm so với năm 2023, giảm cả lợi suất suất biên và phí dịch vụ nhưng có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.
Các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm phần trăm) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm phần trăm) so với cuối năm 2023. Huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024.
Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Tỷ lệ các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6% (giảm so với tỷ lệ kỳ vọng 86,2% TCTD có cùng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 15,9% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 (cao hơn tỷ lệ 11% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Thanh khoản vẫn duy trì tốt
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra đầu tháng 10, NHNN cho biết đến hết tháng 9, tín dụng tăng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi.
Các số liệu khác từ ngành Ngân hàng cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 vẫn duy trì trạng thái tốt, tiếp tục cải thiện so với quý trước và đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay trong quý IV. Tại thời điểm cuối quý III/2024, có 72,8% TCTD nhận định tình hình thanh khoản chung ở trạng thái tốt và 25,4% TCTD nhận định thanh khoản bình thường. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023.
Ngoài ra, các hành động của NHNN thể hiện cơ quan này vẫn đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ mở rộng tín dụng để đảm bảo khả năng cung ứng vốn ra nền kinh tế. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng cho vay mới và giảm lãi suất, đến tháng 10 đã có 30/45 các tổ chức tín dụng đăng ký với tổng giá trị các gói là 405.000 tỷ đồng, lãi suất sẽ giảm từ 0,5-2%.
Theo đánh giá của ông Uông Văn Quang, chuyên viên Chiến lược thị trường thuộc Công ty chứng khoán VPS, trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách thì cũng tác động tích cực trở lại cho chính các ngân hàng, tuy nhiên, cơ hội cũng không đồng đều giữa các ngân hàng. Chẳng hạn, các ngân hàng có dư nợ cho vay nhiều lĩnh vực bất động sản có thể sẽ thụ hưởng lợi ích sớm hơn do lĩnh vực này thường phản ứng nhạy hơn đối với chính sách. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay các lĩnh vực kinh doanh khác như sản xuất, bán lẻ… có thể sẽ hưởng lợi chậm hơn./.
- Nhiều ngân hàng tăng lãi suất để hút tiền gửi dài hạn
- Tỷ giá hôm nay (23/11): Đồng USD thế giới tăng mạnh phiên cuối tuần, “chợ đen” tăng nhẹ trở lại
- Tỷ giá hôm nay (21/11): Đồng USD thế giới tăng trở lại, “chợ đen” không ngừng đà tăng
- Thẻ MB JCB Ultimate - Đặc quyền cao cấp
- Giải mã biến động tỷ giá dù chu kỳ nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ nét
- Tỷ giá hôm nay (18/11): Đồng USD trên thị trường thế giới duy trì sức mạnh,“chợ đen” tiếp tục tăng giá
- Cơ hội vàng cho doanh nghiệp SME: Mở tài khoản BIZ MBBank, rinh xe hơi Vinfast VF3 và iPhone 15 Pro Max
- Tỷ giá hôm nay (16/11): Đồng USD thế giới quay đầu giảm, “chợ đen” vẫn không dừng tăng
- Tỷ giá hôm nay (14/11): Đồng USD thế giới lập đỉnh, “chợ đen” vẫn tiếp tục tăng