Ngân hàng khó nhọc về đích chỉ tiêu cho vay online
Dù rất tích cực đẩy mạnh cho vay online, các ngân hàng cũng khó về đích theo chỉ tiêu đặt ra. Ảnh tư liệu

Chỉ tiêu cho vay online khó về đích

Ngành Ngân hàng bước đầu hái “trái ngọt” từ những hành trình chuyển đổi số và sắp hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy 66% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 49% lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử…

Ngân hàng khó nhọc về đích chỉ tiêu cho vay online

Dưới 20 tổ chức tín dụng cho vay trực tuyến

“Mục tiêu của Quyết định 810/QĐ-NHNN là 50% các khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số đến năm 2025. Đến nay, sơ bộ chưa đến 20 tổ chức tín dụng thực hiện cho vay trên môi trường điện tử”. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Tuy nhiên, một mục tiêu còn khá xa tầm đó là ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động đến năm 2025.

Nhìn lại sau 3 năm thực thi kế hoạch này, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngành Ngân hàng cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho vay trên môi trường số.

Không bật mí về tỷ trọng dư nợ tín dụng các khoản cho vay trực tuyến trong tổng dư nợ và tỷ lệ hoàn thành theo Quyết định 810/QĐ-NHNN, lãnh đạo Vụ Thanh toán chỉ nhấn mạnh rằng ngành ngân hàng còn nhiều việc cần làm sắp tới. Trong đó, điều quan trọng là phải nhận diện rõ khách hàng thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử, thông qua việc triển khai Đề án 06 và Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong việc phối hợp với Bộ Công an để làm sạch và tạo lập kho dữ liệu sạch ngành Ngân hàng.

Hiện 53 tổ chức tín dụng và 43 trung gian thanh toán đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an để triển khai việc nhận diện, xác thực thông tin khách hàng thông qua căn cước gắn chip trên thiết bị di động, tài khoản VneID. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi để để ngành Ngân hàng xác thực thông tin khách hàng trùng khớp dữ liệu dân cư, đảm bảo an toàn thanh toán và phát triển thêm các tiện ích về sau.

Nhận thức rõ nét về tài nguyên đắt giá từ dữ liệu, theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho rằng ai nắm trong tay dữ liệu sẽ là người chiến thắng. Do đó, ngân hàng phải khai thác tốt tiềm năng dữ liệu từ khách hàng, những nguồn dữ liệu mở hoặc dữ liệu liên kết với các đối tác. TPBank là một trong những ngân hàng mạnh dạn đặt những bước đi đầu tiên trong việc triển khai cho vay trên kênh số.

“Đến nay, sau khi có các quy định pháp luật, cộng với kinh nghiệm tích lũy được, chúng tôi có lượng khách vay thường xuyên trên kênh số khoảng 30 triệu người với một danh mục chiếm gần 5% tổng dư nợ tín dụng” - ông Hưng bày tỏ.

Khác với cho vay tiêu dùng món nhỏ như trên kênh truyền thống, rất tốn người, tốn chi phí vận hành và rủi ro rất cao, hiện TPBank vận hành hoàn toàn trên kênh số, kể cả ký hợp đồng. Sở dĩ có thể triển khai thành công cho vay trực tuyến, ngân hàng phải phân tích dữ liệu từ rất nhiều nguồn và chấm điểm tín dụng khách hàng. Nhờ đó, khách hàng thích mua một món hàng trên nền tảng thương mại điện tử thì có thể đề nghị vay ngay lúc đó. Về phía ngân hàng có thể đưa ra những quyết định cho vay ngay lập tức vài triệu hay vài chục triệu đồng. Như vậy, cho vay trực tuyến đã chớp lấy cơ hội khi khách hàng có nhu cầu mua sắm, khác biệt hoàn toàn so với vay truyền thống mất đến vài ngày.

“Các khoản vay này rất an toàn vì gắn với những nhu cầu thực tế, chứ không phải cho khách hàng vay một món tiền mà ngân hàng không biết dùng để làm gì” - lãnh đạo TPBank nhìn nhận.

Thiếu mảnh ghép chấm điểm tín dụng độc lập

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu cho rằng, về mặt kỹ thuật, cho vay online rất đơn giản nếu dữ liệu, thông tin cá nhân của khách hàng đưa lên online, từ đó, ngân hàng có thể xét duyệt khoản vay rất nhanh chóng. Nhìn nhận một số cản trở khi cho vay online, ông Hiếu cho rằng Việt Nam hiện chưa có hệ thống chấm điểm tín dụng phổ thông cho người dân mà chỉ dành cho các khách hàng của ngân hàng.

Trái lại, tại Mỹ phần lớn là vay online, ngân hàng phải mua dịch vụ của những công ty chấm điểm tín dụng để có ngay điểm tín dụng của khách hàng, hệ thống như thế rất minh bạch. Vì vậy, chỉ trong một vài phút là ngân hàng phản hồi cho vay hay không, lãi suất bao nhiêu, tùy theo điểm tín dụng cao hay thấp. Hơn hết, người dân có thể dùng điểm tín dụng để điều chỉnh hành vi tín dụng để trả nợ nhanh hơn, đúng hạn khi điểm tín dụng thấp.

“Ở Việt Nam, các ngân hàng chỉ có hệ thống chấm điểm tín dụng cho khách hàng của họ, còn những người không phải khách hàng thì chưa có. Trong khi các ngân hàng ở bên Mỹ dựa vào hệ thống chấm điểm tín dụng của những công ty chấm điểm tín dụng độc lập và kéo dữ liệu khách hàng từ các công ty này” - ông Hiếu chia sẻ.

Về vướng mắc khi vay trực tuyến, hiện nhiều khách hàng than phiền về việc bỗng dưng dính nợ xấu khi trễ hạn thanh toán các khoản vay online, do ứng dụng không cho khách thanh toán ngay khoản phí trễ hạn mà buộc đến kỳ hạn mới được thanh toán và không có thông báo nhắc nộp. Điều này khiến khách hàng quay lưng và không mặn mà vay những lần sau.

Về lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng vay online ở mức cao khi vay trên app gần 2%/tháng hay cho vay trên các sàn thương mại điện tử với lãi suất khoảng 3%/tháng. Theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay tiêu dùng từ 20 - 30%/năm là hợp lý, còn trên 30% là khá cao.

Hơn 11 tấn vàng được Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp ra thị trường

Thông tin về công tác quản lý, điều hành thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới biến động rất phức tạp, khó lường theo xu hướng tăng là chủ đạo.

Tính đến sáng ngày 8/11/2024, giá vàng thế giới ở mức 2.697 USD/ounce; tăng khoảng 650 USD/ounce, tương đương tăng 32% so với đầu năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh.

Trong nước, giá vàng biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Về phía cung, từ năm 2014 - 2023, NHNN không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4/2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Từ 19/4-23/5/2024, NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC. “Từ ngày 3/6 - 29/10, NHNN tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng” - NHNN thông tin.

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5 - 7%), từ mức chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (25%)./.