Ngân sách Nhà nước vẫn bội thu trong đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính nói gì?
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, thu chúng ta là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động rất xấu tới mọi mặt đời sống - kinh tế - xã hội Việt Nam. Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí tuyên bố phá sản. Thế nhưng, trong năm 2021, Ngân sách Nhà nước vẫn ghi nhận mức bội thu lên tới 220.000 tỷ đồng.
Sang năm 2022, dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên diện rộng, song cộng đồng doanh nghiệp chưa thể phục hồi như thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Tuy nhiên, thu ngân sách vẫn tăng mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 160.200 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà vẫn ghi nhận mức thu ngân sách rất cao, phải chăng có hiện tượng lạm thu ngân sách?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng (Ảnh: VGP)
Về vấn đề này, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Không hề có chuyện lạm thu ngân sách. Các khoản thu ngân sách luôn đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời.
Theo ông Hưng, trên thực tế, trong năm 2021, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách.
Trong đó, Chính phủ cũng đã đồng ý hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp, với tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ. Rieng việc miễn giảm là trên 100.000 tỷ
“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, chúng ta thu như thế có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không. Theo tôi, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, thu chúng ta là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Thứ trưởng Hưng giải thích: Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách năm 2021 chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Không hề có chuyện lạm thu.
Cũng theo Thứ trưởng Hưng, Bộ Tài chính xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam, nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là tăng trưởng kinh tế của thế giới là âm khoảng 4-5%.
Riêng đối với Việt Nam, 9 tháng chúng ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng ta phải thu 74-75%.
Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách, mặc dù khó khăn như thế nhưng vẫn vượt dự toán.
“Tất nhiên, lúc ấy chúng tôi dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ nhưng thực tế vượt trên 220.000 tỷ”, ông Hưng nói.
Có một số ý kiến cho rằng thu của chúng ta thời gian vừa qua tăng vượt khá chủ yếu từ đất, ông Hưng thừa nhận điều này, thậm chí số tiền thu từ đất còn tăng rất mạnh, vượt tới gần 80.000 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự phục hồi kinh tế quý IV rất tốt, từ mức âm 6% quý III thì đến quý IV đảo ngược chiều là 5,22%, riêng thu từ sử dụng đất trong quý IV khoảng 74% dự toán”, ông Hưng nói.
Nguồn https://congluan.vn/ngan-sach-nha-nuoc-van-boi-thu-trong-dai-dich-covid-19-bo-tai-chinh-noi-gi-post196722.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine