Ngành chip thế giới rung chuyển vì động đất, Samsung đòi lại ngôi vương từ Apple

Thứ hai, ngày 8 tháng 4 năm 2024 | 11:42

Ngành chip thế giới rung chuyển vì động đất; Samsung đòi lại ngôi vương từ Apple... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

Ngành chip thế giới rung chuyển vì động đất

Trận động đất lớn nhất ở Đài Loan (Trung Quốc) trong 25 năm đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các công ty bán dẫn trên hòn đảo, tác động tiêu cực đến ngành công nghệ và nền kinh tế thế giới.

chip tsmc.png

Khung cảnh hoang tàn tại Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc) sau trận động đất sáng 3/4. (Ảnh: Reuters)

Hậu quả rất đáng kể do Đài Loan là mắt xích quan trọng trong sản xuất chip tiên tiến - “trái tim” của trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, cho tới xe điện.

TSMC, nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới cho các khách hàng như Apple và Nvidia đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất và sơ tán nhân viên.

Đối thủ địa phương của hãng là United Microelectronics Corp cũng phải đóng cửa một số nhà máy và di tản một số cơ sở tại trung tâm Hsinchu và Đài Nam.

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc dự án công nghệ và địa chính trị tại tổ chức nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung có trụ sở tại Berlin, đã gọi Đài Loan là “mắt xích sụp đổ quan trọng nhất” trong ngành bán dẫn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực công nghệ nóng nhất hiện nay. Cả Sam Altman của OpenAI và Jensen Huang của Nvidia đều đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu chip cần thiết cho nhu cầu đào tạo AI.

Hiện tất cả đơn hàng của Nvidia - Công ty chip đồ hoạ hàng đầu trong lĩnh vực AI, đều do TSMC sản xuất. Bởi vậy, ngay cả những gián đoạn, dù trong thời gian ngắn của Đài Loan đều có thể gây ra tác động đáng kể.

Samsung đòi lại ngôi vương từ Apple

Theo dữ liệu mới nhất, Samsung Electronics đã giành lại vị trí đầu bảng trên thị trường smartphone toàn cầu sau khi mất ngôi vào tay Apple.

samsung.png

 

Khách trải nghiệm Galaxy S24 tại sự kiện ra mắt ngày 17/1 ở Mỹ. (Ảnh: Samsung)

Hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho biết, trong tháng 2, hãng điện tử Hàn Quốc bán được 19,69 triệu smartphone, chiếm 20% thị phần toàn cầu, đánh bại Apple. “Táo khuyết” bán được 17,41 triệu iPhone trong cùng kỳ, chiếm 18% thị phần.

Các nhà phân tích nhận định sự trở lại của Samsung dựa trên doanh số mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu.

Kim Rok Ho, nhà nghiên cứu của hãng chứng khoán Hana, cho rằng đây là điều đáng khích lệ và Galaxy S24 nhận được phản hồi tốt từ hai thị trường này.

Tính cả năm, lần đầu tiên trong 13 năm, Samsung để lọt ngôi vương smartphone vào tay Apple trong năm 2023.

Tốc độ Internet lập kỷ lục thế giới mới

Theo TechSpot, các nhà nghiên cứu từ Đại học Aston (Anh) đã đạt được bước đột phá trong việc truyền tải dữ liệu qua cáp quang, với tốc độ truyền tải dữ liệu 301 Tb/giây, cao gấp 4,5 triệu lần hiện tại.

Để dễ hình dung, tốc độ này giúp tải một bộ phim 4K dung lượng trung bình 70 GB chỉ trong hai giây.

Đây là thành quả nghiên cứu của nhóm hợp tác đến từ Viện công nghệ Quang tử Aston AIPT (Anh), Viện Công nghệ và Thông tin quốc gia Nhật Bản (NICT) và phòng thí nghiệm Nokia Bell của Mỹ.

Con số tốc độ mạng kỷ lục đến từ việc sử dụng các bước sóng mới, chưa từng được áp dụng trong hệ thống cáp quang truyền thống.

Facebook âm thầm bán tin nhắn người dùng suốt 1 thập kỷ

Trong suốt gần 10 năm, Facebook đã âm thầm bán tin nhắn người dùng cho Netflix, giúp dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu nắm rõ thói quen và sở thích của khách hàng.

Tài liệu toà án được công khai thuộc về vụ kiện tập thể nhằm vào sự độc quyền của Meta - công ty mẹ Facebook. Các nguyên đơn đã cáo buộc Netflix và Facebook “có mối quan hệ đặc biệt” khi nền tảng mạng xã hội trao cho nền tảng streaming “quyền truy cập riêng” vào dữ liệu người dùng.

Đổi lại, Netflix sẽ cung cấp báo cáo hai lần/tuần về cách người dùng tương tác với nền tảng, chẳng hạn như các bộ phim yêu thích, số lần chọn các bộ phim ở danh sách đề xuất,…

Theo đơn kiện, Facebook đã nhận được hàng trăm triệu USD tiền quảng cáo từ Netflix như một phần của mối quan hệ gắn kết này. Riêng trong năm 2017, Netflix đã chi ra hơn 150 triệu USD để mua quảng cáo trên Facebook.

Đáng chú ý, từ tháng 4/2016, Facebook thông báo ra mắt tính năng mã hoá đầu cuối cho tin nhắn trên Messenger, nhưng không kích hoạt mặc định. Phải đến tháng 8/2022, mạng xã hội này mới đưa tính năng mã hoá đầu cuối trở thành mặc định với người dùng toàn cầu.

Tuy nhiên, đơn kiện cáo buộc Facebook vẫn cho phép một số đối tác nhất định, trong đó có Netflix được quyền đọc tin nhắn riêng tư của người dùng.

Meta từng dính nhiều scandal liên quan cách xử lý dữ liệu riêng tư của người dùng và đã phải trả hàng trăm triệu USD tiền phạt.