Ngát thơm hương chè Đức Phú

Chủ nhật, ngày 18 tháng 8 năm 2024 | 9:15

Chè Đức Phú, thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành (Quảng Nam) nổi tiếng ở vị đắng thanh, ngọt nhẹ ở nước hậu. Từ một loài cây rất đời thường, chè Đức Phú đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế của người dân.

Chè Đức Phú được ươm trồng, nhân giống.
Chè Đức Phú được ươm trồng, nhân giống.

Một dịp tình cờ đọc được câu ca dao “Nhớ chè Đức Phú ngát hương/Bàu Tre thuốc lá, Danh Sơn nếp bầu”, hình ảnh những ấm nước chè xanh bốc khói nghi ngút gắn liền với đời sống người dân Quảng Nam như quay trở lại. Đức Phú, cái tên vừa thân quen và rất đỗi gần gũi. Và vì sao địa danh này được đưa vào ca dao với cây chè...?

Gìn giữ nguồn cây giống quý

Giữa cái nắng mùa hè, chúng tôi rảo bước chầm chậm ngang qua những quán cà-phê ở thôn Đức Phú. Kỳ lạ thay, ngồi uống cà-phê nhưng người dân thôn Đức Phú đều có một ơ nước chè (phích nước cỡ lớn) để tráng miệng.

Nguồn gốc cây chè Đức Phú là do người Pháp mang đến địa phương này. Ngược dòng lịch sử, vào năm 1884, Maillard (người Pháp) cho lập đồn điền trồng cây chè Đức Phú thuộc xã Kỳ Trà, huyện Tam Kỳ (nay là xã Tam Sơn, huyện Núi Thành). Tính đến nay, loài cây này đã tồn tại trên đất Tam Sơn được 140 năm.

Họ không sử dụng nước trà trong ấm nhỏ mầu trắng bạc như các nơi khác. Ly nước chè có mầu cánh gián đỏ ửng cứ cạn rồi lại đầy, như thể người dân ở thôn Đức Phú... “nghiện” nước chè.

Khi mang điều thắc mắc đó đến gặp ông Nguyễn Văn Hùng (74 tuổi), người được bà con ở đây đặt cho cái tên rất oách là “người tái sinh cây chè” thì mới hiểu ra nhiều thứ.

Nguồn gốc cây chè Đức Phú là do người Pháp mang đến địa phương này. Ngược dòng lịch sử, vào năm 1884, Maillard (người Pháp) cho lập đồn điền trồng cây chè Đức Phú thuộc xã Kỳ Trà, huyện Tam Kỳ (nay là xã Tam Sơn, huyện Núi Thành).

Tính đến nay, loài cây này đã tồn tại trên đất Tam Sơn được 140 năm. Chừng ấy thời gian, cây chè “chứng kiến” một lần đất đai ở thôn Đức Phú bị sạt lở. Trận lụt năm 1964 đã khiến cả ngọn núi Dàng (cách nhà ông Hùng chỉ vài ki-lô-mét) bị san phẳng.

May thay, nhiều cây chè non vẫn tiếp tục nảy mầm sau trận sạt lở. Chính nhờ có nguồn chè giống đó mà 6 năm qua, gia đình ông Hùng có cơ hội tái sinh những cây chè chất lượng.

“Từ hồi nhỏ, tôi đã quen với vị đắng thanh của nước chè Đức Phú. Cha tôi có thói quen uống nước chè rất lạ. Sáng sớm thức dậy, tôi nấu ngay một phích chè khoảng một lít để ông uống cả ngày. Có bữa uống nhiều hơn mức đó. Cho đến đời tôi, thói quen đó vẫn được tiếp nối. Ở thôn này, một vài cụ đã tròn 100 tuổi mà đầu óc họ vẫn rất minh mẫn. Tôi hỏi vì sao thì các cụ nói là do uống nước chè”, ông Hùng cười bảo.

Thực tế đó được khẳng định chắc nịch khi ông Hùng mang mẫu chè đi kiểm định trước khi thành lập Hợp tác xã chè Đức Phú (HTX) như hiện tại. Chè Đức Phú có đặc trưng khô rời, xoăn chặt. Đây là thức uống bổ ích cho trí não, giúp tăng trí nhớ, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch...

Những dòng kết luận do cơ quan chức năng đưa ra càng thôi thúc ông Hùng lập ra HTX. Từ đó đến nay, người dân ở Đức Phú gắn kết cùng sản xuất đại trà sản phẩm chè khô.

Ông Hùng nói: “Người dân Đức Phú rất thích uống nước chè thì đúng nhưng nói quá ghiền thì chưa hẳn”.

Tuy vậy, là người thường xuyên pha nước chè cho cha hồi còn nhỏ, ông Hùng hiểu được, ngụm chè xanh đã kết nối bao thế hệ trong gia đình. Đời sống ở vùng quê chân chất đến độ, mỗi dịp giỗ chạp trong gia đình, hàng xóm được mời thường mang theo túi chè khô cùng góp chút tấm lòng với chủ nhà.

Các cụ cao niên ở Đức Phú xem túi chè khô chính là tấm chân tình của người hàng xóm, họ hàng. Cứ thế, người đi trước gìn giữ nguồn cây giống, lớp người đi sau phát triển vườn chè.

Lần đầu bứng gốc chè trăm tuổi từ núi Dàng về nhà, do chưa có kinh nghiệm nên ông Hùng đã để nhiều gốc cây chè bị chết héo. Sau này, qua những lần xem xét kỹ bộ rễ, ông Hùng đã tìm ra nguyên nhân khiến gốc cây hư hỏng. Bài học kinh nghiệm đó được ông hướng dẫn cho người trong thôn cùng biết.

Sau khi mang về nhà, gốc chè cần được cắt sạch rễ con chung quanh, rồi ủ bộ rễ trong một tuần để chất dinh dưỡng tích tụ, sẵn sàng cho việc tái trồng ở vườn nhà.

Đứng điều khiển chiếc máy vò lá chè, ông Hùng kể: “Nhớ hồi tôi đi bứng gốc chè trong núi, ai cũng nói tôi rảnh rỗi lại đi đào mấy gốc cây chẳng có giá trị gì. Khi cây chè được tái sinh ở vườn nhà, tôi chỉ nghĩ đơn giản là kêu gọi hàng xóm cùng trồng để thúc đẩy kinh tế. Hiện tại, mọi người đều lấy cây giống của nhà tôi. Đến khi có lá chè non, họ bán lại cho tôi để chế biến số lượng lớn, cung cấp ra thị trường toàn tỉnh”.

Nâng niu từng đọt chè non

 

Máy vò chè đang chạy ro ro, cuộc điện thoại từ anh Trần Đức Tâm (cùng trú tại thôn Đức Phú) đã cắt ngang nhịp vò chè. Qua cuộc điện thoại giữa ông Hùng với anh Tâm, chúng tôi hiểu được cái tình cảm đậm sâu của ông Hùng với cây chè Đức Phú.

Lão nông U80 này liên tục thúc giục anh Tâm ghé vườn bứng gốc chè con đem về trồng. Nếu thắc mắc và cần hỗ trợ ở khâu nào, ông Hùng sẽ trực tiếp đến xử lý, hỗ trợ.

Từ việc được bảo đảm nguồn cây giống, anh Tâm mạnh dạn thuê máy xúc cải tạo lại mấy héc-ta đất trong vườn nhà, san ủi bằng phẳng. Cây chè con sẵn sàng bén rễ ở khu vườn mới, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.

Cả ngày, có lẽ chiếc máy vò của ông Hùng chỉ dừng vào buổi trưa và tối. Suốt thời gian còn lại, các cô, các dì trong HTX liên tục chở lá chè đến xếp hàng, chuẩn bị cho vào máy vò.

Xách trên tay khoảng 5 kg lá chè, bà Nguyễn Thị Phổ nhễ nhại mồ hôi: “Tôi tranh thủ hái từ sáng sớm cho đỡ nắng. Được chừng ni, chú Hùng vò giúp tôi nhé”.

Dù mồ hôi ướt đẫm áo nhưng nét mặt hứng khởi của bà Phổ đã thể hiện rõ niềm vui. Từ khi HTX chè Đức Phú ra đời, có 20 thành viên cùng chăm sóc, thu hoạch chè. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng một tấn chè khô. Với giá bán 250.000 đồng/kg chè khô, mỗi hộ dân thu được hơn 12 triệu đồng/năm.

Không chỉ tạo ra nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người mà ngay trong môi trường tự nhiên, gốc chè còn giúp ích vào việc chống rửa trôi, xói mòn đất. Mỗi cây chè chỉ cao khoảng một mét, tán lá rộng vừa phải. Khi được thu hái đều đặn, hình dáng của cây chè sẽ làm đẹp cho cảnh quan chung quanh khu vườn nhà.

Ông Hùng nói với sự tự hào rằng, từ khi trồng chè vào năm 2018, vườn nhà ông không còn bị nước mưa làm xói lở đất nữa.

Hiện tại, gia đình ông Hùng sở hữu 3 ha đất trồng cây. Với diện tích đất rộng rãi, ông Hùng đã vào núi bứng hàng nghìn gốc chè mang về vườn nhà, chăm bón lâu dài. Có những gốc chè trong núi đã 20 năm tuổi, cá biệt, có những gốc hơn 30 năm tuổi vẫn sinh trưởng tốt.

Nguồn cây giống quý đó được gia đình ông chăm sóc kỹ bằng phương pháp dùng cây lớn che cây nhỏ. Cụ thể, cây gỗ trai có tán lá rộng, cao to nên được trồng xen kẽ giữa vườn chè để tạo bóng râm, hạn chế nắng mưa thất thường ảnh hưởng đến lá chè non.

Để hướng tới mục tiêu tăng lợi nhuận gấp đôi, gấp ba so với hiện tại, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định có thể làm được.

Chè Đức Phú có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Vấn đề quan trọng nhất là tập hợp các thửa đất chuyên canh tác loài cây này để việc đồng loạt nhân giống cây, thu hoạch lá được thuận lợi.

Nhìn ly nước chè còn bốc hơi nóng, ông Hùng bộc bạch: “Từ lâu, người Pháp đã tìm ra giá trị rất tốt của thổ nhưỡng ở thôn Đức Phú này. Chúng tôi không thể đứng nhìn đất đai dần phong hóa. Cây chè rất dễ sống trên đất quê hương, chỉ cần có sự quyết tâm thì tôi tin rằng, đời sống kinh tế của dân làng sẽ phát triển trong tương lai”.

Bản thân ông Hùng hay bà Phổ, anh Tâm đều học kinh nghiệm trồng chè từ người xưa. Để giữ nguyên vẹn mùi hương chè Đức Phú, người hái chỉ cần nhặt đọt non nhất, dài khoảng 2 cm sẽ đạt tiêu chuẩn. Nếu chỉ vì tiếc lá chè già nằm sát bên dưới mà hái thì mẻ chè khô cho ra mùi vị rất khó uống.

Trước khi quyết định phục hồi thương hiệu chè Đức Phú, ông Hùng tự nhủ, không được dừng hay phá sản HTX. Tự tạo áp lực cho mình là bởi lão nông này hiểu rằng, khi đã kết nối bà con vào HTX thì cần có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế của từng hộ gia đình.

Nhìn quanh vùng đất Tam Sơn, ngoài cây chè Đức Phú, người dân đang trồng cây keo để làm kinh tế. Với diện tích đất đai gần nhà ở vẫn còn trống, đó sẽ là điều kiện tốt để mở rộng diện tích trồng chè.

Mỗi ngày, đọt chè non mơn mởn vươn lên rồi hàng chục túi chè khô đến tay khách hàng, đó chính là quả ngọt mà quê hương Đức Phú trao cho ông Hùng và bà con. Vậy là chúng tôi đã hiểu vì sao chè Đức Phú ngát hương cả trăm năm!