Nghịch lý lỗ - lãi!
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của 22.603 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại nước ta, có tới gần 55% doanh nghiệp báo lỗ tới hơn 131.000 tỷ đồng nhưng doanh thu vẫn tăng tới gần 13%.
Sau đó 4 năm, kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của hơn 26.000 doanh nghiệp FDI của Bộ Tài chính lại một lần nữa chỉ ra nhiều điểm "bất hợp lý". Đó là năm 2021 tổng tài sản doanh nghiệp FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020; vốn chủ sở hữu là 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% nhưng nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%.
Quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy việc mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư; tăng trưởng nguồn vốn chủ yếu từ nguồn tài trợ bên ngoài; chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện.
Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, số nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Cụ thể, năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ là hơn 168.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là hơn 16.200, chiếm 62% tổng số doanh nghiệp, tăng 8% so với năm trước; có hơn 4.400 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020...
Như vậy có thể thấy, "nghịch lý" lỗ nhưng vẫn tồn tại, vẫn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh không phải là mới. Dẫn chứng cụ thể cho việc này là trường hợp của Coca - Cola Việt Nam. Từ khi vào đầu tư ở nước ta, hầu hết Coca - Cola Việt Nam đều báo lỗ. Và vì lỗ liên tục nên Coca - Cola Việt Nam nghiễm nhiên không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Với thực tế như vậy, lẽ ra Coca - Cola Việt Nam đã phải phá sản nhưng ngược lại, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh.
Rõ ràng ở đây có rất nhiều điểm "bất bình thường", nhất là khi sau khoảng thời gian 4 năm vẫn còn tới quá nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ - đòi hỏi cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân thực chất do đâu. Ngoài yếu tố khó khăn của nền kinh tế, có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hay không vì trên thực tế, cơ quan thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Có ý kiến cho rằng, nước ta thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi nhằm mục đích cùng chia sẻ lợi nhuận. Nhưng khi kinh doanh không có lợi nhuận thì cần xem lại chính sách thu hút đầu tư và giải quyết gốc rễ vấn đề từ khâu thu hút ban đầu. Rằng chính sách ưu đãi thuế hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh. Hệ thống chính sách, quy định về ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành, lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc cũng chưa hiệu quả, mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải...
Cho nên với thực trạng này, câu hỏi vì sao các doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả lại thấp; tại sao nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư... là những vấn đề cần được làm rõ và ngăn chặn triệt để.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở