Nghiên cứu ở Vũ Hán hé lộ di chứng của những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên
Một nghiên cứu được thực hiện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc - tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới - cho thấy những di chứng dai dẳng kéo dài tới 2 năm đang tác động lên những người từng mắc bệnh.
Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán tháng 2/2020 (Ảnh: SCMP).
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine cho thấy, hơn một nửa bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc vẫn còn ít nhất một triệu chứng 2 năm sau khi họ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong khi sức khỏe thể chất và tinh thần nhìn chung được cải thiện theo thời gian, phân tích cho thấy rằng bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện vẫn có xu hướng có sức khỏe và chất lượng cuộc sống kém hơn so với nhóm dân số chung.
Người đứng đầu nghiên cứu, giáo sư Bin Cao, cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng đối với một tỷ lệ nhất định những người đã sống sót sau khi phải nhập viện vì Covid-19, mặc dù họ có thể đã khỏi bệnh, nhưng có thể cần hơn 2 năm để hồi phục hoàn toàn".
Cho đến nay, những tác động lâu dài đến sức khỏe của Covid-19 hầu như vẫn chưa được biết đến một cách cụ thể, vì các nghiên cứu theo dõi dài nhất cho đến nay chỉ kéo dài khoảng một năm. Việc không có dữ liệu tình trạng sức khỏe người bệnh trước khi mắc Covid-19 và dữ liệu để so sánh với dân số nói chung trong hầu hết các nghiên cứu cũng gây khó khăn cho việc xác định mức độ hồi phục của bệnh nhân từng mắc bệnh.
Trong nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia đã phân tích sức khỏe của những người từng phải nhập viện vì Covid-19 và các tác động lâu dài của mầm bệnh. Họ đã xem xét dữ liệu sức khỏe của 1.192 người mắc Covid-19 từng vào bệnh viện Jin Yin-tan ở Vũ Hán từ ngày 7/1 tới 29/5/2020 sau các mốc 6 tháng, 12 tháng và 2 năm.
Các bài kiểm tra bao gồm bài đi bộ kéo dài 6 phút, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và bảng câu hỏi về các triệu chứng, sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, liệu họ có trở lại làm việc và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau khi xuất viện hay không.
Kết quả cho thấy, 6 tháng sau khi mắc Covid-19, 68% bệnh nhân cho biết có ít nhất một triệu chứng Covid-19 kéo dài. Hai năm sau khi nhiễm bệnh, hơn một nửa - 55% - vẫn ghi nhận các triệu chứng như mệt mỏi hoặc yếu cơ. Bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh ban đầu của họ ra sao, 2 năm sau, 11% bệnh nhân được khảo sát đã không thể trở lại làm việc.
Hai năm sau lần đầu mắc bệnh, các bệnh nhân có sức khỏe yếu hơn nhóm dân số nói chung, với 31% mệt mỏi hoặc yếu cơ và 31% mắc chứng khó ngủ. Các bệnh nhân từng mắc Covid-19 cũng có nhiều triệu chứng khác bao gồm đau khớp, đánh trống ngực, chóng mặt và đau đầu. Trong bảng câu hỏi về chất lượng cuộc sống, những người từng khỏi Covid-19 thường xuyên ghi nhận cơn đau, khó chịu và lo lắng hoặc trầm cảm.
"Việc theo dõi liên tục những người đã khỏi Covid-19, đặc biệt là những người có các triệu chứng của Covid kéo dài, là điều cần thiết để hiểu được diễn biến của bệnh, cũng như tìm hiểu thêm về lợi ích của các chương trình phục hồi chức năng hậu Covid-19. Rõ ràng là cần phải hỗ trợ liên tục cho những người đã từng mắc Covid-19 và cần hiểu thêm về cách vaccine, các phương pháp điều trị mới được tìm ra và các biến thể SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe lâu dài của người bệnh như thế nào", giáo sư Bin Cao nói.
Nguồn https://dantri.com.vn/the-gioi/nghien-cuu-o-vu-han-he-lo-di-chung-cua-nhung-benh-nhan-covid-19-dau-tien-20220512144611509.htm
- “Bão” tiêu cực quét qua ngành Y tế: Bài học nào cho công tác cán bộ?
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc khám, cấp giấy khám sức khỏe lái xe
- Diễn viên Thúy An trải lòng về hành trình đi sinh đầy hạnh phúc
- Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
- Hà Nội yêu cầu các cơ sở không kinh doanh, sử dụng thuốc Voltarén 75mg giả
- TP. HCM thông tin về lô vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ từ 6-12 tuổi hết hạn sử dụng
- Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
- Đau mắt đỏ ở trẻ hậu Covid-19: Chớ chủ quan, tự chữa tại nhà
- Đợt dịch 4 Hà Nội ghi nhận 1.596.748 ca Covid-19