Ngược chiều đối thủ, giá 'hạt ngọc Việt' vọt lên đắt đỏ nhất thế giới

Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2024 | 7:32

Giá gạo của các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Pakistan đang đà giảm, trong khi giá gạo Việt lại vọt tăng đã đưa mặt hàng thế mạnh này của nước ta lên mức đắt đỏ nhất thế giới.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 39,7% về giá trị. 

Tính chung 7 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3% nhưng giá trị tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, sau khi giá gạo Việt xuất khẩu có chuỗi ngày giảm khá mạnh, xuống mức thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Pakistan, những ngày gần đây đà tăng đã trở lại với mặt hàng thế mạnh này của nước ta.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo Việt Nam đang tăng ngược chiều so với các đối thủ Thái Lan và Pakistan. Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 15/8 được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, hơn hàng của Pakistan 34 USD/tấn.

Tương tự, gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng tăng lên ngưỡng 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn.

So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá đắt đỏ nhất. 

Tại thị trường nội địa, giá lúa gạo cũng phục hồi trong những tuần gần đây giúp người nông dân có thu nhập khá.

Theo VFA, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam đang ở mức rất cao. Có thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Dự báo, toàn cầu sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Một số nước hạn chế xuất khẩu, trong khi một số quốc gia lại tăng cường nhập gạo để dự trữ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Hiện, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của gạo Việt như Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

W-xuat khau gao .png

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Hà

Tháng 7 vừa qua, trong đợt mở thầu gạo của Indonesia - thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam - các doanh nghiệp của nước ta đã trúng 7/12 gói thầu. Giá trúng thầu lần này là 563 USD/tấn, tốt hơn mức giá xuất khẩu bình quân trên thị trường.

Với tín hiệu khả quan từ các thị trường xuất khẩu, theo các chuyên gia, giá gạo Việt sẽ khó giảm sâu như vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta năm nay được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.

Để phát triển thị trường gạo ổn định trước những thách thức về biến đổi khí hậu, xu thế tiêu dùng thay đổi trên thế giới, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm,... mới đây Bộ trưởng NN-PTNT và Bộ trưởng Công Thương cùng cơ quan chức năng đã họp bàn về ngành hàng này.

Cả hai bộ đều thống nhất với đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo Quốc gia, hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa.

Khi được thành lập, cùng với việc khắc phục các hạn chế của ngành hàng lúa gạo hiện nay, Hội đồng lúa gạo Quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo. Cụ thể như việc các nước Thái Lan, Ấn Độ... có các chính sách mới, đột xuất về xuất khẩu gạo; vấn đề phát triển thương hiệu gạo, gạo Việt bị giả mạo...