Người Việt có biết cách phản biện không?
Phản biện là một động lực cho sự phát triển. Thế nhưng, phản biện cũng là một nghệ thuật, đòi hỏi tri thức và kỹ năng.
Kỹ năng phản biện còn là kết hợp của tư duy logic, kỹ năng hùng biện, kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng làm chủ cảm xúc, là sự trang bị kiến thức đa chiều nhiều lĩnh vực. Phản biện là sự rèn luyện trí nhớ, cách thiết lập sơ đồ tư duy trong não (chứ nhiều cuộc tranh luận kéo dài cả tiếng không cẩn thận là tự tẩu hỏa nhập ma và tự mẫu thuẫn trong mớ lý lẽ và dẫn chứng của chính mình).
Phản biện là một nghệ thuật.
Và kỹ năng gì thì ngoài khả năng thiên bẩm còn nhờ phần lớn là sự học hỏi, cầu thị và tự rèn luyện hàng ngày. Cả đời ta không thuyết trình trước đám đông mà bảo hôm nay đứng lên hùng biện với chả phản biện thì làm sao làm được. Người Việt chưa biết cách phản biện vì thường xuyên mắc phải những sai lầm sau đây.
Thứ nhất: Đưa ra luận điểm nhưng không có dẫn chứng.
Luận điểm: “Xã này nuôi lợn rất kém”.
- Anh lấy cơ sở ở đâu để nói thế?
- Cả xã này người ta bảo thế, có mỗi nhà chị là không biết thôi (Cái câu nghe có vẻ có gang có thép này mà cũng làm khối người cũng bị choáng không nói lại được câu nào).
“Mọi người bảo thế”, “bao người nói thế” không phải là dẫn chứng, dẫn chứng phải là số liệu cụ thể từ một nguồn điều tra uy tín. Thậm chí không phải số liệu từ một nguồn mà phải là nhiều nguồn khác nhau.
Thứ hai: Luận điểm có dẫn chứng không đáng tin cậy.
Là trường hợp phổ biến giống 3 câu chuyện kể trên, chỉ tham khảo vài ý kiến rồi tổng kết đấy là chân lý.
Để mình kể thế này, khi viết bài “Trọc phú và quý tộc”, chỉ vì 1 luận điểm chưa đầy 1 dòng mà mình mất nguyên 3 ngày để tìm dẫn chứng và tư liệu. Đấy là “Ở châu Âu, một ông vua luôn là con của 1 ông vua khác và 1 bà hoàng hậu, chỉ có vài trường hợp hãn hữu không phải vậy”. Mệnh đề này, với kiến thức sẵn có, mình đã chắc đến 99%, nhưng để chắc 100% không ai có thể phản biện được, mình mất nguyên 3 ngày để tra cứu gia phả của từng ông vua ở châu Âu. Ôi trời ơi, không nhớ nổi có mấy trăm ông nữa, lịch sử châu Âu thì tách ra nhập vào suốt ngày. Nhưng phàm cái gì đã lên mạng thì đấy là chốn đầy những người uyên bác, am hiểu, tóm lại là cao thủ võ lâm đai đen nhan nhản, nói 1 câu không chính xác, người ta lại phản biện “Đâu có nhẽ thế” rồi chứng minh là mình sai, mà một khi bạn đã sai 1 câu thì rất có thể đám đông sẽ xổ toẹt luôn cả bài viết công phu của bạn vì “Bà này toàn bốc phét”.
Tóm lại là bạn tranh luận với bạn bè thì nói xàm xí sao cũng được, chứ ra công luận mà hở sườn, hở lưng, hở cả gót chân thì tên bay đạn lạc chi chít. Chính vì cẩn trọng như vậy nên mình ít khi dám phát biểu, phản biện gì, vì để phản biện một vấn đề có khi phải mất mấy ngày tìm kiếm tư liệu và tham khảo ý kiến chuyên gia cho nó chính xác 100%. Còn ai mà sau 1 giây nghe chuyện đã phản biện được ngay là tài kinh.
Thứ ba: Đánh tráo khái niệm.
“Kiến thức của ông toàn Google, thông tin toàn nghe báo đài, suy ra mọi lý luận của ông không đáng tin”. Câu nói phổ biến này lớ ngớ cũng khiến khối người im thít không nói lại được gì. Mình bảo: Kiến thức chả từ Google thì đâu ra, hay bạn là học trò của Bill Gates và Thích Nhất Hạnh để được kiến thức. Thông tin chả từ báo đài là chính thì lấy từ đâu, hay bạn ngồi cùng bàn ăn tối với Putin để được thông tin chính thức.
Đây là một pha đánh tráo khái niệm ngoạn mục.
Có những người chỉ search vài phút Google hay đọc lướt 1 bài báo và nói như đúng rồi, nhưng điều đó không có nghĩa thông tin từ Google và báo chí là đáng khinh và không đáng tin. Ngược lại, Google chính là một thư viện khổng lồ vô tiền khoáng hậu, nó có mọi cuốn sách trên đời ở file PDF mà bạn chỉ cần tiêu thụ một phần tí hon trong số đó thôi cũng đã đủ bội thực kiến thức.
Tất cả những người làm công tác khoa học và cả giới tình báo đều cần đến Google như một cánh tay đắc lực ). Điều quan trọng là kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin của bạn đến đâu chứ không phải Google là đáng khinh. Nhiều người hay đánh tráo khái niệm kiểu này: “Khá nhiều hoa hậu bán dâm” suy ra “Người đẹp toàn đi bán dâm”, hoặc “Rất nhiều người nói hay nhưng làm thì dở” suy ra “Tất cả nhà hùng biện chỉ nói là giỏi còn thì không biết làm gì”.
Thứ tư: Chụp mũ.
Gặp ai ông chả hành động như vậy, suy ra hành động hôm nay của ông nó ăn vào tính của ông rồi.
Bạn chưa chứng kiến nhân vật giao tiếp với những người khác bao giờ nên đây là một câu nói không có cơ sở, hoàn toàn mang tính chụp mũ.
Thứ năm: Bỏ bóng đá người.
- Cách xử lý công việc rối rắm của đồng chí trong sự việc vừa rồi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Đồng chí thì hơn gì tôi, hôm trước đồng chí còn chỉ đạo sai cuộc họp.
Đây là cách phản biện bỏ bóng đá người phổ biến: Lôi điểm yếu, những việc không liên quan hoặc lỗi lầm trong quá khứ của đối phương để lấp liếm lỗi của mình. Thậm chí hạ nhục đối phương cho tối tăm mặt mày để khỏi lắp bắp phản biện thêm nữa. Trong câu chuyện giả định này: Lỗi chỉ đạo sai lần trước không liên quan gì đến công việc lần này. Bởi việc lần trước đã được giải quyết dứt điểm, còn việc ở đây là bạn chỉ được phép phản biện có đúng là hậu quả nghiêm trọng này do bạn gây ra hay không. Ông Donald Trump cũng rất nổi tiếng ở “bùa phép” này, khi tranh cử với Hillary, ông bảo “Đến Bill Clinton bà còn chả thỏa mãn được thì làm sao bà có thể thỏa mãn cả nước Mỹ”.
Muốn phản biện phải rèn luyện kỹ năng tư duy logic.
Thứ sáu: Nói cùn.
Mình từng tranh luận với một ông bạn, để chứng minh cho luận điểm, mình lấy từ điển ra cho ổng xem. Ổng bảo “Tin làm gì cái bọn từ điển, nó viết sai đầy”.
Thứ bảy: Ngụy biện.
“Ai chả có lúc sai, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” là một lời phản biện vụng về nhưng lại được dùng rất phổ biến, đến quan cũng dùng.
Có lần một cậu IT đến diệt virus cho máy tính của mình. Cậu ta diệt hết virus và cẩn thận… diệt sạch toàn bộ kho tư liệu khổng lồ trong máy tính của mình. Mình hóa rồ lên gọi cho sếp cậu ta. Sếp bắt đầu ê a bổn cũ soạn lại “Chị ơi, ai thì cũng có lúc sai”.
- Tôi bảo cậu nhé, có những việc cậu không được phép sai lầm, dù chỉ 1 lần, đấy là làm phi công lái máy bay, làm bác sĩ mổ tim, và xử lý dữ liệu quan trọng trong máy tính của người khác.
Thế là cậu ta lắp bắp xin lỗi. Thôi mắng cho đỡ tức thôi chứ biết làm như nào được nữa.
Một câu ngụy biện phổ biến khác là “Bạn có làm được như người ta không mà nói”. Nếu không vững lý luận thì lắm lúc người nghe cũng bị mắc bẫy mà ngậm bồ hòn, vì mình không được như người ta thì không được phép phát biểu. Nhưng kỳ thực là: Nhiệm vụ của tôi là dạy học, không phải lãnh đạo đất nước. Nhiệm vụ của người lãnh đạo đất nước là phải lo cho nhân dân chỉn chu và tôi hoàn toàn có quyền đòi hỏi điều đó. Tôi bỏ tiền mua vé xem phim thì có quyền chê bộ phim và bực mình vì đạo diễn dở chứ không phải ngồi xem mà bị mắng “Bạn có biết làm phim không mà nói”.
Thứ tám: Bất quan tâm đến lý lẽ của người khác.
Hôm qua mình mắng cho bà con gái một trận, bả khóc thút thít, bảo “Ai chả có lúc cáu, thi thoảng con mới cáu mà mẹ đã cáu lại rồi”. Mình mất 1 tiếng để giải thích là tại sao lại không được cáu trong trường hợp ấy. Nàng ta im thít nghe 1 tiếng, sau đó lại nhắc lại “Ai chả có lúc cáu, cáu thì có gì sai đâu”. Mình muốn hóa điên bảo “Thôi con đi gặp cô X và chú Y để làm thành một hội, người ta mất công giải thích đến cả tiếng về việc tại sao không nên cáu trong tình huống này, thì cứ như nãy giờ người ta nói tiếng Campuchia, lại nhắc lại cái câu ban đầu”.
Hồi lâu có một nhà văn đại ca inbox cho mình bảo mình viết nhầm tên các nhánh Phật giáo trên một bài viết FB, mình tranh luận một hồi nhưng ổng cứ khăng khăng “Em không biết gì hết, em gặp Phạm Lưu Vũ mà tham khảo”. Sau mình đành gửi link Wikipedia và vô số nguồn khác cho ổng thì ổng cứ như không đọc tin nhắn, vẫn một mực “Thôi cô ơi, cô phải gặp Phạm Lưu Vũ”… Có rất nhiều người mình xem tranh luận trên mạng mà tức cành hông, cho dù đối phương có giải thích thế nào họ cũng cứ như không nghe thấy lời nào hết, họ chỉ một mực nhắc đi nhắc lại quan điểm của họ chứ không đưa ra bất cứ lý lẽ nào, cũng chẳng thèm phản biện các lý lẽ của đối phương.
Thứ chín: Lạc đề, nói một đằng phản biện một nẻo.
Việc phản biện vào một quan điểm mà đối phương không hề nhắc đến là rất phổ biến. Ví dụ mệnh đề ban đầu ở đây là chuỗi hành động của đồng chí A có mang lại lợi ích gì hay không, nhưng đối phương cứ mải mê đưa ra các luận điểm là đồng chí A có phải người tốt hay không. Hoặc mệnh đề là “Điểm số cao hay thấp không liên quan đến hạnh phúc”, nhưng đối phương lại phản biện rằng “Điểm số cao mới thành công” trong khi người còn lại không hề nhắc gì đến sự liên quan giữa thành công và điểm số.
Bạn đang đọc bài viết Người Việt có biết cách phản biện không? tại chuyên mục Xã hội của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư [email protected] hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
NGUON TRANG PB
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo