Người đầu tiên trên thế giới được ghép gan lợn thành công

Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024 | 14:47

TRUNG QUỐC - Sau khi được ghép gan lợn đã chỉnh sửa gene, bệnh nhân 71 tuổi có thể đi lại, không có dấu hiệu đào thải bộ phận mới.

Trung Quốc đã tiến hành thành công ca ghép gan lợn cho người còn sống đầu tiên trên thế giới tại một bệnh viện ở tỉnh An Huy. Phần nội tạng của con lợn đã được chỉnh sửa 10 gene. 

Gan được cấy ghép hoạt động bình thường với lượng mật tiết ra khoảng 200ml mỗi ngày. Bác sĩ Sun Beichen, Chủ tịch Bệnh viện Liên kết Số một - Đại học Y An Huy, đánh giá thành công của ca cấy ghép sẽ mang lại hy vọng cho các trường hợp mắc ung thư gan trong tương lai.

Bệnh nhân là một người đàn ông 71 tuổi bị khối u lớn ở thùy gan phải. Ông ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, không có nhiều lựa chọn điều trị. Khi phẫu thuật, các bác sĩ cắt bỏ khối u gan và nhận thấy thùy trái không đủ sức để gánh chức năng của gan. 

Để thực hiện quy trình cấy ghép, nhóm nghiên cứu sử dụng lá gan 514g của một con lợn đực 11 tháng tuổi, nặng 32kg và được chỉnh sửa 10 gene. Đại học Nông nghiệp Vân Nam đã nuôi dưỡng con lợn. 

Bác sĩ Sun cho biết ông áp dụng một phương pháp sáng tạo là cấy gan lợn vào gan phải của bệnh nhân được xoay 45 độ. 

ghep gan.jpg

Các bác sĩ phẫu thuật ghép gan lợn cho bệnh nhân 71 tuổi vào ngày 17/5. Ảnh: Bệnh viện Liên kết Số một thuộc Đại học Y An Huy

Theo China Daily, hiện bệnh nhân có thể đi lại, chức năng gan cũng như nhiều chỉ số sức khỏe khác đã trở lại bình thường.

“Ca phẫu thuật đặt ra các tiêu chuẩn về quy trình phẫu thuật cho việc cấy ghép gan lợn vào cơ thể người, cung cấp các giải pháp toàn diện về thời điểm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng như cách chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật gan biến đổi gene”, bác sĩ Sun chia sẻ.  

Tháng trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã cấy ghép thành công gan lợn biến đổi gene vào một bệnh nhân chết não. 

Theo một bài báo đăng trên tạp chí Nature gần đây, phương pháp cấy ghép dị loại (từ loài này sang loài khác), đặc biệt từ lợn sang người, đã được các bác sĩ phẫu thuật nghiên cứu từ lâu do tình trạng khan hiếm nội tạng hiện có của con người.

Giới khoa học đặt hy vọng lợn sẽ là đối tượng cung cấp tạng tiềm năng do sự tương thích về kích thước và giải phẫu với các cơ quan của con người. Tuy nhiên, cơ thể người có xu hướng từ chối cơ quan được cấy ghép. Ngoài ra, người bệnh còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus tiềm ẩn trong bộ phận nội tạng mới. 

Trước đây, theo CGTN, các ca cấy ghép dị loài cho con người đều được tiến hành ở Mỹ. Bệnh nhân đầu tiên là người đàn ông 57 tuổi ghép tim lợn và sống được 60 ngày sau ca phẫu thuật. Người đàn ông thứ hai nhận tim lợn vào năm 2023 và trụ được 40 ngày.

Người đầu tiên được ghép thận lợn qua đời vào ngày 7/5, hai tháng sau ca cấy ghép. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định cái chết của bệnh nhân không liên quan đến việc ca phẫu thuật vì thận vẫn hoạt động tốt trước khi người này qua đời. 

Ca cấy ghép dị loài thứ 4 ở người sống được tiến hành trên một phụ nữ 54 tuổi nhận thận mới ở New Jersey.