Người trầm cảm có tự khỏi được không?
Nhiều người nói rằng "thời gian chữa lành mọi vết thương" nhưng điều đó không hoàn toàn đúng khi nói đến chứng trầm cảm. Hết trầm cảm phụ thuộc vào loại, thời gian và mức độ nghiêm trọng cùng một số yếu tố khác.
Loại trầm cảm
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ, một số loại trầm cảm có xu hướng kéo dài hơn những loại khác. Ví dụ, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) thường chỉ xảy ra trong những tháng mùa đông, giảm dần vào mùa xuân. Ngược lại, rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD) kéo dài từ 2 năm trở lên.
Nguyên nhân tiềm ẩn
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm cũng ảnh hưởng đến thời gian mang bệnh. Chứng trầm cảm do một tình huống cụ thể hoặc tác nhân gây căng thẳng tạm thời thường sẽ tự khỏi khi tình huống đó chấm dứt.
Một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm. Ví dụ, phụ nữ bị rối loạn tiền kinh nguyệt hay mới sinh con.
Một số trường hợp trầm cảm có thể tự khỏi theo thời gian nhưng đa số cần sự tư vấn của chuyên gia. Ảnh minh họa: Indoindians
Mức độ nghiêm trọng
Trầm cảm nhẹ đôi khi tự khỏi mà không cần điều trị. Trong khi đó, trầm cảm vừa hoặc nặng thường cần được chăm sóc y tế. Hình thức điều trị bao gồm thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Ngoài ra, các phương pháp bổ sung như thuốc thảo dược, châm cứu, tập thể dục, thiền, massage cũng có tác dụng hỗ trợ.
Dấu hiệu trầm cảm
Rối loạn trầm cảm lâm sàng (MDD) là dạng phổ biến nhất và có thể xuất hiện, biến mất trong suốt cuộc đời của một người. Các triệu chứng kéo dài từ 2 tuần trở lên:
- Tâm trạng chán nản
- Mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng thích
- Thay đổi đáng kể về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức
- Cảm giác bồn chồn tăng lên
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định.
Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Mỹ, nếu các triệu chứng trên kéo dài hơn 2 năm, bệnh nhân có thể đã bị rối loạn trầm cảm dai dẳng (PDD).
Trầm cảm nhẹ hoặc trầm cảm theo tình huống có thể tự khỏi trong một số trường hợp, nhưng trầm cảm lâm sàng và dai dẳng đòi hỏi và đáp ứng với điều trị.
Nhiều người bị trầm cảm lâm sàng từ chối sự giúp đỡ về mặt tâm lý, hy vọng rằng bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể giúp ích, đặc biệt khi bắt đầu điều trị sớm và bao gồm cả liệu pháp tâm lý và thuốc. Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, 80–90% những người được điều trị đều nhận thấy sự cải thiện.
Cách cải thiện tinh thần không dùng thuốc
Đối với nhiều người mắc chứng trầm cảm, một loại thuốc theo đơn có thể cứu sống họ. Bên cạnh đó, theo Very Well Mind, bạn cũng có thêm một số giải pháp bổ sung một cách tự nhiên:
Ngủ nhiều hơn: Duy trì giờ đi ngủ và thức dậy nhất quán, phòng ngủ yên tĩnh, gọn gàng, thư giãn trước giờ đi ngủ (không ngồi trước màn hình máy tính, sử dụng điện thoại). Dành thời gian ở bên ngoài mỗi ngày ngay cả khi bạn chỉ muốn ở nhà.
Cắt giảm caffeine: Cà phê, trà, soda, chocolate đều chứa caffeine. Bạn có thể tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải vào buổi sáng nhưng hãy tránh xa vào chiều muộn để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Bổ sung thêm vitamin D: Một số bằng chứng cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D đóng vai trò trong chứng trầm cảm. Nếu bạn không nhận đủ vitamin D thông qua chế độ ăn uống và lối sống (như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời), hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên thử dùng thực phẩm bổ sung không.
Thiền định: Theo JAMA, các nghiên cứu chỉ ra thực hành thiền chánh niệm cũng có thể có hiệu quả trong việc điều trị chứng trầm cảm.
Tập thể dục nhiều hơn: Bạn cần dành ra khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn để tập luyện cường độ thấp mỗi ngày, tốt nhất là hoạt động ngoài trời. Không khí trong lành và ánh nắng có tác dụng chữa lành với những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa.
Tránh uống rượu: Rượu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và giấc ngủ chất lượng là chìa khóa để chống lại nỗi buồn. Mặc dù rượu có vẻ là cách nhanh chóng để thoát khỏi những gì bạn đang cảm thấy nhưng thực tế có thể khiến nhiều triệu chứng của trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.
Ăn thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng: Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm đặc biệt có lợi khi bạn bị trầm cảm bao gồm cá, các loại hạt, sữa chua, kim chi, kombucha…
Ngoài ra, bạn có thể thêm cây xanh trong nhà, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, học hỏi những điều mới.
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Người đàn ông phát hiện khối u ác tính từ dấu hiệu đơn giản
- Cực hiếm: Bé gái 'vượt ngàn chông gai' chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ