Nguy cơ ho gà, sởi gia tăng ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca ho gà (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023) và 130 ca mắc sởi (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023). Dự báo, nguy cơ ho gà, sởi gia tăng ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chiều 10-4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế. Nguồn: Bộ Y tế
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca ho gà (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023). Riêng tại Hà Nội, trong số 48 ca mắc có 38 ca ở trẻ dưới 3 tháng tuổi (chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vắc xin có thành phần ho gà.
Cùng với ho gà, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023). Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Thông tin thêm về chùm ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, kết quả phân tích 12 ca bệnh cho thấy, 7/12 ca bệnh (chiếm tỷ lệ 58,4%) đã được tiêm 2 mũi vắc xin sởi nhưng vẫn mắc bệnh. Các trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ và đã ra viện. Ngoài ra, có 3/12 ca bệnh không rõ tình trạng, chỉ có 1 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng và 1 trường hợp chưa tiêm chủng.
“Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19. Trong khi đó, đây là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%)”, ông Hoàng Minh Đức nói.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn. Ảnh: Xuân Lộc
Ông Hoàng Minh Đức nhận định, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ho gà, sởi và các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như: Sởi, ho gà, cúm gia cầm...
Còn theo ông Hoàng Minh Đức, các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác, trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng, từ đó, tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét.
“Riêng đối với ho gà, việc tiêm vắc xin dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tăng miễn dịch sau khi trẻ sinh ra”, ông Hoàng Minh Đức khuyến cáo.
Cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca tay chân miệng
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước. Tiếp đến là miền Bắc có trên 1.300 ca mắc, miền Trung với khoảng 1.000 ca, khu vực Tây Nguyên có 200 ca - là nơi ghi nhận số ca mắc ít nhất.
Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô