Nguyên nhân hồ sơ mua bán nhà đất ‘khai giá thấp’ tại TP.HCM bị ‘ngâm’
Thời gian xử lý hồ sơ chuyển nhượng nhà đất tại TP.HCM bị phản ánh chậm trễ, nhất là những trường hợp kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường. Lãnh đạo Sở TN&MT đã chỉ ra nguyên nhân.
‘Mỏi mòn’ chờ giải quyết hồ sơ nhà đất
Thời gian qua, nhiều người dân tại TP.HCM phản ánh họ phải mất khá nhiều thời gian khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất. Không chỉ thời gian xử lý hồ sơ bị chậm trễ, không ít trường hợp hồ sơ bị trả về vì lý do kê khai giá chuyển nhượng không sát với giá giao dịch trên thị trường.
Có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới bất động sản gần chục năm, ông N.V.N (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, chưa khi nào thủ tục mua bán nhà đất lại kéo dài như vài tháng qua. Trước đây, khi nộp hồ sơ cho khách hàng, ông V. chỉ mất thời gian chờ tối đa khoảng 1 tháng. Nhưng nay, có hồ sơ chờ 4 tháng vẫn chưa có kết quả.
“Mới năm ngoái đây, một căn hộ chung cư có giá 2 tỷ đồng, hợp đồng mua bán giữa hai bên chỉ thể hiện 1 tỷ đồng cũng được chấp nhận. Nhưng từ khi ngành thuế kiểm soát giá giao dịch, các hồ sơ khai giá thấp liên tục bị trả về. Có hồ sơ bị trả đến 3 lần vì khai giá chưa đúng”, ông N. chia sẻ.
Trong quý I/2022, có 2.000 hồ sơ nhà đất tại TP.Thủ Đức bị trả về để điều chỉnh giá chuyển nhượng.
Là người trực tiếp làm hồ sơ cho căn nhà ở P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, ông H.S.T đã nộp hồ sơ vào cuối tháng 12/2021, được hẹn trả kết quả vào giữa tháng 1/2022. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2022 ông T. mới nhận được thông báo nộp thuế.
Theo ông T, khâu mất nhiều thời gian nhất là xác định thuế chuyển nhượng. Hồ sơ của ông bị cơ quan thuế yêu cầu điều chỉnh, bổ sung hai lần vì kê khai giá thấp.
“Tôi thấy có nhiều người cũng bị trả hồ sơ vì lý do kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thị trường. Nhưng cơ quan thuế cần cho người dân biết rằng căn cứ vào đâu và khung giá nào để xác định giá giao dịch trên hợp đồng thấp hơn giá trị trường?”, ông T. nói.
Tương tự, bà N.T.K (ngụ P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) cho hay, bà nộp hồ sơ chuyển nhượng lô đất từ trước tháng 2/2022. Cũng với lý do giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá thị trường, cơ quan thuế yêu cầu bà K. khai lại, giá giao dịch trong phụ lục hợp đồng lúc này đã tăng lên.
Mặc dù đã cam kết giá chuyển nhượng sau khi điều chỉnh phù hợp với hướng dẫn của cơ quan thuế, tuy nhiên đến nay hồ sơ chuyển nhượng lô đất của bà K. vẫn chưa được xử lý xong.
Thống kê quý I/2022, Cục thuế TP.HCM đã đề nghị điều chỉnh giá chuyển nhượng gần 10.900 hồ sơ nhà đất. Số tiền thuế thu thêm được là 147 tỷ đồng, tương ứng 83% của cả năm 2021. Riêng TP.Thủ Đức, có 2.000 hồ sơ nhà đất bị trả về để điều chỉnh giá, thu thêm được 92 tỷ đồng.
Bất cập giữa cơ quan đăng ký đất đai và chi cục thuế
Về nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng nhà đất chưa đảm bảo thời gian quy định, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết, do có sự bất cập khi chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính đất đai giữa hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và cơ quan thuế.
Theo ông Thắng, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/4/2022, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển cơ quan thuế tổng cộng 44.722 hồ sơ. Trong đó, 38.644 hồ sơ đã tính thuế (trễ hạn 11.102 hồ sơ) và 6.078 hồ sơ đang tính thuế (trễ hạn 1.030 hồ sơ).
Về trình tự thủ tục, theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, sau khi các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có phiếu chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính, các chi cục thuế địa phương tiếp nhận. Tuy nhiên, cách xử lý tại các chi cục thuế chưa có sự thống nhất, cụ thể:
Cơ quan thuế ghi nhận trên hồ sơ là giá chuyển nhượng không đúng với giá giao dịch trên thị trường nhưng không có văn bản phúc đáp; tự mời người dân để trả hồ sơ và đề nghị điều chỉnh hợp đồng chuyển nhượng;
Tự mời người dân và trả hồ sơ cho chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trong trường hợp có điều chỉnh hợp đồng chuyển nhượng;
Hoặc cơ quan thuế có công văn chuyển trả lại hồ sơ và đề nghị chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu những người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng không sát với giá giao dịch trên thị trường bổ sung giá trị chuyển nhượng.
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, việc yêu cầu người nộp thuế điều chỉnh giá chuyển nhượng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đăng ký đất đai.
Lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng giữa người mua và người bán thoả thuận về giá trị chuyển nhượng bằng hợp đồng được cơ quan công chứng chứng nhận là theo quy định của Luật Công chứng và Bộ Luật dân sự.
Trong khi đó, việc giải quyết thu nghĩa vụ tài chính được thực hiện theo quy định và thuộc chức năng của cơ quan thuế.
Do đó, việc cơ quan thuế nhận định các trường hợp có giá chuyển nhượng không đúng với giá thực tế, không sát với giá giao dịch trên thị trường và đề nghị chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai yêu cầu người nộp thuế bổ sung giá chuyển nhượng là không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đăng ký đất đai.
Đối với loại hồ sơ chuyển nhượng không đúng giá thực tế, không sát giá giao dịch trên thị trường, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Cục thuế Thành phố có hướng dẫn thống nhất các chi cục thuế trực thuộc theo hướng cơ quan thuế làm việc trực tiếp với người sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp, không chuyển trả hồ sơ cho cơ quan đăng ký đất đai.
Đồng thời, cơ quan thuế có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký đất đai biết để cập nhật tiến độ giải quyết hồ sơ, cập nhật hệ thống phần mềm đăng ký.
Nguồn https://vietnamnet.vn/nguyen-nhan-ho-so-mua-ban-nha-dat-khai-gia-thap-tai-tp-hcm-bi-ngam-2020288.html
- Bất động sản: Cú vấp với ‘Ba lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
- Trung Quốc làm gì để giải cứu thị trường bất động sản?
- Thiết kế chính sách phát triển nhà ở xã hội dựa trên lợi ích và nhu cầu
- Những khó khăn chính của thị trường bất động sản Việt Nam và giải pháp tháo gỡ
- Các ông trùm bất động sản mất 65 tỷ USD vì chính sách Thịnh vượng chung của Trung Quốc
- Bị thu hồi dự án gần 800 ha, doanh nghiệp khởi kiện tỉnh Lâm Đồng
- Phát lộ những lần điều chỉnh ‘nhồi’ cao ốc vào ‘con đường đau khổ’ Lê Văn Lương
- Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
- 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm