Nhà báo cần khơi gợi năng lượng tích cực, để người khó khăn vẫn thấy đường đi
Khi đặt bút viết, cần khơi gợi được năng lượng tích cực trong mỗi con người, để họ thấy rằng trong cái khó vẫn tìm thấy đường đi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về nghề báo.
Bộ trưởng NN&PTNT nhận bản thân chưa từng được đào tạo qua trường lớp báo chí chính quy, song từng viết rất nhiều bài đăng trên báo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mỗi lần đặt bút viết, ông luôn đứng ở vị thế của người nông dân, nắm bắt cảm xúc của họ và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao?”, từ đó tìm hiểu, học hỏi và giải quyết các vấn đề.
Theo ông, báo chí có sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, năng lượng cho xã hội. Thế nên, báo chí không chỉ đơn giản là kể chuyện, mô tả hiện thực khách quan, làm sao cho người đọc cảm thấy mình ở trong đó và chính bản thân cũng phải thay đổi.
Báo chí tạo giá trị gia tăng cho địa phương, quốc gia
Bộ trưởng dẫn cuốn sách nghiên cứu báo chí trong thời đại ngày nay, thời đại của nền kinh tế kết nối, trong đó đề cập tới vấn đề bản thân báo chí tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm cho một địa phương, thậm chí cho quốc gia. Sứ mệnh đó rất cao cả, mỗi nhà báo cần cảm thấy tự hào.
Theo ông, nhiều người quan niệm muốn phát triển được thì cần có tiền của, ruộng đất, nhà máy... Đó là vốn hữu hình đong đếm được. Người ta nghĩ không có tiền thì không làm được gì hết. Nhưng những nhà nghiên cứu kinh tế học ngày nay đã nghiên cứu ngoài vốn hữu hình thì còn vốn vô hình là văn hoá và xã hội - thứ có thể chuyển hoá thành nguồn vốn kinh tế, nguồn vốn hữu hình.
Vốn xã hội bao gồm hệ thống các mạng lưới xã hội, niềm tin của con người, khả năng kết nối để thực hiện các công việc trong xã hội. Một khi xã hội tràn đầy niềm tin, con người dễ tìm đến nhau, hợp tác với nhau, đồng hành vượt qua những khó khăn, thách thức phía trước. Một khi xã hội mất niềm tin, con người có xu hướng tự co mình lại, dò xét, nghi ngờ người khác. Khi ấy, xã hội bị cắt rời từng mảnh, con người chỉ tự biết mình, tự bảo vệ, tự chăm lo cho mình. Sức mạnh của sự hợp tác, động lực phát triển của xã hội, sẽ bị bào mòn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, báo chí có sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, năng lượng cho xã hội
Một doanh nhân có văn hoá thì dễ thành công hơn doanh nhân không có văn hoá. Một tổ chức có văn hoá thì tinh thần làm việc của mọi người trong tổ chức đó dồi dào năng lượng hơn, hiệu suất làm việc tốt hơn. Từ đó có thể thấy văn hoá là nguồn vốn, xã hội cũng là nguồn vốn.
Vị Bộ trưởng viết báo với bút danh “Xích Lô” chia sẻ, đặc điểm của báo chí không chỉ phục vụ một số ít người, mà mang tính chất xã hội rộng rãi. Người làm báo khắc hoạ cảm xúc xã hội, và ở chiều ngược lại, tác phẩm báo chí lại tạo ra và đôi khi định hướng cảm xúc xã hội.
Xã hội là tập hợp đông đảo con người, trong đó có nhiều cảm xúc đôi khi đối kháng nhau, ngược chiều nhau. Luồng cảm xúc tích cực sẽ tạo ra một xã hội tích cực, giàu năng lượng, khiến mọi người hăng say làm việc, cống hiến hết mình. Ngược lại, khi luồng cảm xúc tích cực bị lấn át bởi quá nhiều thông tin tiêu cực, con người dễ mất thăng bằng, mất phương hướng, muốn buông xuôi tất cả.
Chứng minh điều ngược lại
Người nông dân cũng vậy. Có những người cứ ngồi than phiền giá vật tư đầu vào tăng, cửa khẩu ùn tắc, giá nông sản rẻ… và tự mặc định do giá thị trường thế giới, do đứt gãy chuỗi cung ứng… Họ bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực và chấp nhận hiện thực, đánh mất niềm tin, đổ “tại cái số”, đôi khi còn tìm lý do biện minh vì sao không làm.
“Nông nghiệp đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Chúng ta có khoảng 14 triệu nông dân. Nếu mỗi người đều bị tác động bởi những thông tin tiêu cực hàng ngày, lâu dần họ sẽ thấy mọi khó khăn không phải do mình mà do trời đất, thị trường hay cơ quan quản lý. Từ đó ngồi oán than, luôn nghĩ mình là người thiệt nhất.
Theo Bộ trưởng, thông qua ngòi bút, nhà báo khơi gợi cảm xúc tích cực cho bà con, giúp họ tìm ra con đường mới. Ảnh: Bảo Hân
Báo chí hoàn toàn có thể phản ánh, đó là hiện thực khách quan. Nhưng khi đặt bút viết làm sao để khơi gợi, chuyển tải được năng lượng tích cực trong mỗi con người, bà con nông dân mình thấy rằng trong cái khó vẫn tìm thấy được con đường đi, để hiểu được nếu mình tự thay đổi trước, tự nghĩ cách giảm chi phí, tiêu thụ được nông sản thì có thể vượt qua hiện thực khó khăn.
Phải làm sao để người nông dân không còn suy nghĩ - Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa. Báo chí phải chứng minh ngược lại, có những người nông dân thành đạt từ nghèo khó. Như anh ‘Huy chuối’ Long An từ tay trắng, sau nhiều năm đánh đổi nay đã thành công. Như vậy báo chí đã truyền cảm xúc tích cực cho nhiều người nông dân để họ cùng cố gắng vươn lên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhà báo cần thay đổi chính mình
Nhà báo cũng cần thay đổi ngay từ trong tác phẩm báo chí. Muốn truyền cảm xúc tích cực cho người khác thì mình cũng phải tích cực, cần là người dẫn dắt, dù thay đổi bao giờ bắt đầu cũng đầy khó khăn.
“Tôi cũng muốn chia sẻ với các nhà báo khi tác nghiệp, chúng ta đừng chỉ nhìn vào đám ruộng, bờ ao… Hãy nhìn vào người nông dân, hãy so sánh người nông dân ở chỗ này và chỗ khác. Lý giải tại sao có những người trong điều kiện như nhau nhưng lại có kẻ giàu người nghèo”, ông đặt vấn đề.
Theo ông, người làm báo trước khi cầm bút cần đặt câu hỏi “tại sao”. Bởi mỗi câu hỏi ấy sẽ là một đề tài báo chí. Người biết đặt câu hỏi đúng còn giá trị hơn là cách giải đáp. Còn khi không biết đặt câu hỏi tức chúng ta đã chấp nhận hiện thực đó. Ngược lại, chúng ta suy nghĩ, đặt chiều sâu vào câu hỏi đó thì ngòi bút có thể kích hoạt tất cả những gì chưa nhìn thấy được.
Có người nói với ông làm báo để đến gần trái tim nhân loại hơn. Nhưng Bộ trưởng cho rằng, nhân loại xa quá không đến nổi thì mình cần đến gần trái tim của người nông dân hơn, để tạo niềm tin, cảm xúc tích cực cho bà con, giúp họ tìm ra con đường mới.
“Khi viết cũng không nên tô hồng, báo chí vẫn phải ánh hiện thực khách quan, nhưng cuối cùng vẫn phải mở ra con đường tạo niềm tin xã hội. Viết để hướng bà con theo dòng chảy tích cực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nha-bao-can-khoi-goi-nang-luong-tich-cuc-de-nguoi-kho-khan-van-thay-duong-di-2031573.html
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở