Báo cáo mới đây của VDSC cho biết, dữ liệu vĩ mô Việt Nam ghi nhận sự tích cực về sản xuất, tiêu dùng và dự báo sẽ củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý II/2024 khả quan.

Về thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá, VDSC kỳ vọng lãi suất điều hành và lãi suất trong nền kinh tế sẽ chưa có biến động bất thường.

Về quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa hạ lãi suất cơ bản xuống 3,5% hôm 6/6, thì Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng hạ xuống còn 4,75% sau 6 lần duy trì liên tục ở mức 5% kể từ tháng 7/2023. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ nguyên lãi suất hiện tại và dự kiến sẽ có một lần hạ lãi suất trong năm.

Nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu các doanh nghiệp mà lợi nhuận đang phục hồi dần
Ảnh: Báo cáo chiến lược của VDSC.

Với việc FED giữ nguyên lãi suất, VDSC cho rằng, áp lực lên tỷ giá tiền đồng sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên, đồng USD khó giữ áp lực này được lâu vì dư địa cắt lãi suất của Mỹ là lớn. Theo đó, cơ sở cho nhận định này đến từ việc lạm phát hạ nhiệt trở lại và dự kiến sẽ đẩy nhanh hơn do hiệu ứng “lạm phát đuổi kịp”.

Trong đoạn cuối con đường ứng phó với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn, chuyên gia của VDSC nhận định, NHNN vẫn còn dư địa để neo giữ bằng lãi suất trong biên độ hợp lý thông qua các nghiệp vụ thị trường mở như phát hành tín phiếu, cầm cố giấy tờ có giá và bán USD giao ngay với mục đích duy trì một lượng thanh khoản hợp lý thay vì trạng thái dư thừa như trước đây. Đồng thời, việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND giúp cho áp lực rút ròng USD dịu dần trước khi FED thực hiện đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên.

Song song đó, lạm phát do yếu tố cầu kéo đang về lại ngưỡng trung bình trong giai đoạn trước đây cho thấy tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kìm hãm lạm phát là có hiệu quả và đang đạt ngưỡng giới hạn.

Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc mạnh khi tăng trưởng GDP có điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ (SAAR) giảm từ 3,4% (quý IV/2023) về mức 1,3% trong quý I/2024. VDSC dự đoán, không loại trừ khả năng FED thay đổi lập trường sớm hơn kỳ vọng của thị trường hiện tại để tránh bị bỏ lại phía sau và qua đó giúp nền kinh tế hạ cánh mềm.

Theo VDSC, một trong những yếu tố tâm điểm dự báo sẽ tác động đến thị trường trong quý II/2024 là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu. Theo đó, những điểm nghẽn lớn của lĩnh vực bất động sản sẽ sớm được giải quyết, đồng thời triển vọng khơi thông dòng vốn tín dụng và khả năng kinh doanh của các dự án có thể dự đoán được.

Nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu các doanh nghiệp mà lợi nhuận đang phục hồi dần
Ảnh: Báo cáo chiến lược của VDSC.

Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã sửa đổi căn bản chính sách phát triển nhà ở xã hội, từ mở rộng đối tượng, thủ tục trình tự thực hiện đến các quy định về chủ đầu tư phát triển nhà xã hội…

Luật Đất đai tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến xác định tiền sử dụng đất, những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Với trọng số vốn hóa lớn (chiếm 14%) và đứng thứ 2 trong rổ VN-Index, việc giao dịch tích cực của nhóm bất động sản nhờ yếu tố hỗ trợ kể trên có thể góp phần nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.

“Với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế quý II khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, nhà đầu tư vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường trong tháng 6.” - chuyên gia VDSC khuyến nghị.