Nhà mạng châu Á tìm kiếm tăng trưởng từ mô hình B2B
Tại sự kiện DTW Asia tổ chức hồi tháng 3, đại diện nhiều nhà mạng thể hiện mong muốn “xoay trục” từ dịch vụ cá nhân sang giải pháp doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn biến Ấn Độ thành cường quốc sản xuất tiếp theo nhờ vào 5G và cáp quang”, Aayush Bhatnagar - Phó Chủ tịch cấp cao nhà mạng Jio – tuyên bố táo bạo tại sự kiện. Jio đang phối hợp với các bộ phận khác trong tập đoàn Reliance Industries để theo đuổi tham vọng của mình. Không chỉ thực hiện một số vụ mua lại nhỏ, Jio còn tăng cường đầu tư vào 5G, cáp quang và truy cập không dây cố định. Hãng cần kết hợp các công nghệ này để cung cấp giải pháp doanh nghiệp.
Ý tưởng số hóa các phần còn lại của công ty mẹ để có chỗ đứng trên thị trường B2B cũng là điều nhà mạng M1 của Singapore đang thực hiện. Công ty mẹ của M1, Keppel Group, là tập đoàn công nghiệp và đầu tư đa ngành. Theo Giám đốc Kỹ thuật số Jan Morgenthal, M1 chính là “nhà cách tân bên trong Keppel”.
Với các hãng khác, hạ tầng viễn thông phục vụ như một bàn đạp để đổi mới. Tập đoàn công nghiệp YTL của Malaysia xem viễn thông như “khoản đầu tư tiện ích”. CEO YTL Communications Wing Lee gọi “Internet là tiện ích kỹ thuật số cuối cùng”.
Nhà mạng thế giới muốn "xoay trục", chuyển tập trung từ khách hàng cá nhân sang doanh nghiệp. (Ảnh: tmforum)
Quan điểm này phản ánh thực tế thị trường hiện nay tại Malaysia, nơi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CSP) đã phải chuyển từ mô hình thâm dụng vốn sang mô hình opex khi chuyển sang 5G. Tháng 3/2021, Chính phủ Malaysia ủy quyền thành lập mạng 5G bán buôn duy nhất có tên Digital Nasional Bhd (DNB) để phục vụ các hãng viễn thông đang có. YTL là CSP Malaysia đầu tiên ra mắt dịch vụ 5G cá nhân trên mạng của DNB và đang bận rộn phát triển thị phần.
Song, họ cũng để mắt đến thị trường doanh nghiệp. YTL đang xây trung tâm dữ liệu để giúp giảm độ trễ cho dịch vụ doanh nghiệp tương lai cũng như các dịch vụ tiêu dùng như game. Theo ông Lee, điều quan trọng là họ không xem viễn thông là nguồn thu duy nhất. “Một khi đã có kiến trúc phân tán, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để gia tăng giá trị”.
Tính khả thi của mô hình B2B
Đối với các nhà mạng không nằm trong tập đoàn công nghiệp lớn hay không có sẵn mảng kinh doanh B2B đủ mạnh, việc tiếp cận khách hàng tiềm năng và chứng minh tính khả thi là lựa chọn duy nhất. Nhà mạng Thái Lan AIS đã hợp tác với công ty khai mỏ SCG và tập đoàn công nghiệp Somboon để cung cấp giải pháp mạng riêng di động (MPN).
Nhà mạng True thí điểm MPN với một bệnh viện. Như các nhà mạng khu vực khác, True và AIS dự định cung cấp dịch vụ 5G doanh nghiệp trên mạng 5G vĩ mô của họ. Song, họ đang chờ đợi các công nghệ mạng lõi mới để có thể mang đến năng lực kết nối khác biệt, “may đo”. Trong thời gian này, MPN cho họ cơ hội thử nghiệm và đổi mới.
Cung cấp dịch vụ mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là tham vọng thực tế hơn với các CSP thiếu kỹ năng và hiện diện thị trường. Đây là chiến lược mà Tập đoàn viễn thông Axiata đang làm sau 10 năm thử nghiệm với API, nền tảng và lập trình viên. Hans Wijayasuriya, CEO Axiata, cho biết 4% tổng doanh thu của hãng đến từ API.
Nhà mạng AIS cũng tận dụng dịch Covid-19 để phát triển mảng kinh doanh SME. Dù nhiều công ty vừa và nhỏ phá sản trong giai đoạn này, doanh thu từ SME của AIS vẫn tăng trưởng. AIS bắt đầu cung cấp dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số mới và giải pháp đám mây cho thị trường SME năm 2018 và 2019. Đến năm 2022, họ đã chiếm 30% tổng doanh thu SME, theo Navachai Kiartkorkuaa, một quan chức AIS.
Các giải pháp B2B mới đòi hỏi kỹ năng mới, đối tác mới và mô hình kinh doanh mới. Nhà mạng châu Á có xu hướng sở hữu lực lượng nhân sự trẻ hơn so với châu Âu, Bắc Mỹ, song vẫn phải cạnh tranh để chiêu mộ nhân tài phần mềm. Nhà mạng Maxis của Malaysia đang đầu tư vào chương trình tài năng trẻ nhằm tạo ra “tư duy kỹ thuật số”. Họ muốn các nhân viên mới phát triển sản phẩm và giải pháp cho các thị trường mới như sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh. Nhà mạng PLDT của Philippines lại đào tạo nhân lực an ninh mạng.
Hợp tác và hệ sinh thái là hai yếu tố quan trọng trong chiến lược xoay trục. Axiata đã xây dựng được cộng đồng 70.000 lập trình viên, song các nhà mạng khác bây giờ mới bắt đầu tìm cách thu hút lực lượng này. Giám đốc công nghệ thông tin Axiata, Anthony Rodrigo, tiết lộ bí quyết, chỉ khi xem lập trình viên như khách hàng và triển khai chương trình đào tạo, huấn luyện, số lượng lập trình viên mới tăng mạnh.
Thay đổi tư duy truyền thống “cứ xây rồi khách hàng sẽ đến” có lẽ là điều khó nhất trong quá trình mở rộng của nhà mạng sang thị trường B2B. Ông Aayush Bhatnagar từ nhà mạng Jio chia sẻ công ty làm theo nguyên tắc “suy nghĩ không ngừng nghỉ”. “Chỉ khi ở trong nghịch cảnh, bạn mới thực sự đổi mới”.
(Theo tmforum)
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
- Người dân TPHCM đã có thể kết nối với chính quyền bằng App Công dân số
- 'Cái nắm tay' cần thiết dẫn bước doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng, livestream Facebook
- TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số, ứng dụng AI Make in Viet Nam