Nhân dân tệ tràn ngập tại Nga, Moscow vẫn 'cô đơn' trong hệ thống tài chính toàn cầu?
Sự thay đổi mạnh mẽ trong vị thế tiền tệ của Nga đặt ra những rủi ro đáng kể và chưa thể giải quyết được tình trạng bất ổn tài chính của đất nước.
Việc chuyển tài sản dự trữ của Nga sang nhân dân tệ không loại bỏ rủi ro địa chính trị. (Nguồn: Reuters) |
Trên trang Nikkei Asia, bà Nuriya Kapralou, cố vấn của Công ty tư vấn Oxford Analytica về kinh tế Nga cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy một làn sóng trừng phạt lớn từ các quốc gia phát triển nhất thế giới.
Khả năng tiếp cận thị trường vốn và cơ sở hạ tầng tài chính quốc tế của Moscow đã bị cắt đứt và các mối quan hệ thương mại bên ngoài của nước này bị gián đoạn nghiêm trọng. Trước đây, các quốc gia tham gia trừng phạt Nga chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nước này.
Nga tăng "ôm" Nhân dân tệ
Cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với USD, Euro và đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của nước này là những "đòn" đặc biệt nghiêm trọng giáng xuống kinh tế Moscow. Gần như chỉ sau một đêm, đồng USD và Euro trở nên xa tầm với đối với người Nga.
Mặc dù chính phủ và Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga từ lâu đã thúc đẩy quá trình phi USD hóa, nhưng việc đột ngột rời xa các loại tiền tệ mạnh hàng đầu thế giới vẫn là thách thức lớn cho quốc gia này.
Đến nay, Nhân dân tệ đã chứng tỏ là đồng tiền dự trữ thay thế khả thi nhất đối với Moscow, phần lớn là do thương mại song phương đang gia tăng.
Vào ngày 30/12, Bộ Tài chính Nga cho biết, Quỹ Tài sản quốc gia Nga - quỹ tài sản có chủ quyền của nước này - sẽ không còn nắm giữ tài sản bằng USD, trong khi tỷ lệ nắm giữ bằng đồng Nhân dân tệ sẽ được phép tăng lên 60% từ mức tối đa trước đây là 30%.
Vào thời điểm thông báo, quỹ này nắm giữ tài sản trị giá 310 tỷ Nhân dân tệ (45,5 tỷ USD) bằng đồng tiền Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Nuriya Kapralou nhận định, sự thay đổi mạnh mẽ này trong vị thế tiền tệ của Nga đặt ra những rủi ro đáng kể và sẽ không giải quyết được tình trạng bất ổn tài chính của đất nước.
Bà Nuriya Kapralou nhận định: "Việc chuyển tài sản dự trữ sang Nhân dân tệ không loại bỏ được rủi ro địa chính trị vì sự thay đổi đột ngột trong lập trường của Trung Quốc là có thể xảy ra, ít nhất là về mặt lý thuyết.
Tiết kiệm bằng đồng Nhân dân tệ cũng liên quan đến rủi ro chuyển đổi lớn do lệnh trừng phạt của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể ngăn cản Nga chuyển đổi đồng nội tệ Trung Quốc thành tiền tệ mạnh ở các thị trường nước ngoài".
Tăng nắm giữ đồng Nhân dân tệ cũng làm tăng nguy cơ đối với hệ thống tài chính nếu tình hình kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc xấu đi. Ngoài ra, khi đồng tiền của Trung Quốc được quản lý tích cực, giá trị tiền tiết kiệm của chính phủ Nga sẽ bị Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc can thiệp.
Về thương mại, Nga đang tìm cách thực hiện các giao dịch bằng đồng Ruble hoặc tiền tệ của các đối tác thương mại, bao gồm đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Rupee của Ấn Độ, thay vì đồng USD. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối thanh toán năng lượng của Nga bằng đồng Ruble.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, số tiền thu được từ xuất khẩu bằng đồng Nhân dân tệ chiếm 14% tổng doanh thu xuất khẩu tính đến tháng 9/2022, tăng từ mức chỉ 0,4% vào đầu năm 2022.
Trung Quốc thực sự có khả năng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong tương lai gần. Thương mại song phương đã tăng 30% trong năm ngoái, lên 190 tỷ USD.
Do đó, các giao dịch giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Ruble chiếm khoảng một nửa tổng số giao dịch ngoại hối giao ngay trên Sàn giao dịch Moscow vào cuối năm 2022, tăng từ mức gần bằng 0 vào đầu năm.
Nhu cầu về đồng Nhân dân tệ đã được kích thích bởi nhập khẩu tăng, với khối lượng tăng 13% vào năm 2022 và bởi sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Nga trong việc phát hành nợ bằng Nhân dân tệ. Biên lai xuất khẩu bằng đồng Nhân dân tệ đã giúp tăng nguồn cung tiền tệ của Trung Quốc.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nga tại Moscow. (Nguồn: AP) |
Thời gian qua, Ngân hàng Trung ương Nga đang tích cực hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tài chính mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi tiền tệ này nhưng vẫn còn những rào cản đáng kể.
Các tổ chức tài chính Trung Quốc đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng để giao dịch với các đối tác Nga do lo ngại về nguy cơ bị cuốn vào các biện pháp trừng phạt của G7. Điều này ngăn cản việc tiêu chuẩn hóa giao dịch, tăng chi phí và kéo dài thời gian giao dịch cho những người nắm giữ đồng Nhân dân tệ tại Nga.
Song song với đó, việc sử dụng rộng rãi hơn đồng Nhân dân tệ trong các hợp đồng giao dịch cũng bị cản trở bởi tính thanh khoản của đồng tiền này vẫn còn thấp trên thị trường nội địa Nga.
Sự biến động cao trong tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ so với đồng Ruble có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi các giao dịch cá nhân lớn. Sự mất cân bằng cung-cầu tạm thời cũng đã gây ra sự biến động cao trong lãi suất thị trường tiền tệ.
Đến thời điểm hiện tại, khối lượng giao dịch giao ngay bằng đồng Nhân dân tệ vẫn thấp hơn nhiều so với đồng USD trên Sàn giao dịch Moscow.
Để giải quyết vấn đề nói trên, tháng 1/2023, Ngân hàng Trung ương Nga đã ra mắt một cơ sở thường trực mới để cung cấp các giao dịch hoán đổi ngoại tệ bằng đồng Nhân dân tệ qua đêm với giới hạn tối đa 10 tỷ Nhân dân tệ/ngày. Cơ quan quản lý "bật mí", họ có thể điều chỉnh giới hạn nếu cần.
Nhằm hỗ trợ quá trình phi USD hóa, tất cả các ngân hàng lớn quan trọng trong hệ thống của Nga hiện cung cấp tài khoản tiền gửi Nhân dân tệ cho khách hàng bán lẻ.
Cơ quan quản lý tài chính của Nga cảnh báo, các ngân hàng của nước này nên đặc biệt chú ý đến việc tiếp xúc với đồng Nhân dân tệ trong việc quản lý bảng cân đối kế toán của họ. Họ cần đối chiếu cẩn thận các tài sản và nợ phải trả bằng đồng Nhân dân tệ.
Bà Nuriya Kapralou nhận thấy: "Đây là một thách thức vì hoạt động cho vay bằng đồng Nhân dân tệ chưa được phát triển ở Nga. Chỉ một số ít trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng Nhân dân tệ được phát hành trên thị trường nội địa".
Không chỉ thế, các ngân hàng cũng đang ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng doanh nghiệp đối với các công cụ phòng ngừa rủi ro tiền tệ.
Những dịch vụ như vậy đòi hỏi các ngân hàng phải phòng ngừa rủi ro cho các vị thế tiền tệ của mình nhưng điều này rất khó khăn do không có các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trước đây đã hoạt động trong phân khúc thị trường này.
Bà Nuriya Kapralou khẳng định: "Nga có thể vẫn bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong tương lai gần. Việc tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính cần thiết để tạo điều kiện sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn trong nền kinh tế trong nước và trong các luồng thương mại song phương sẽ cần có thời gian.
Các tổ chức tài chính Trung Quốc có thể vẫn do dự trong việc hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro bị trừng phạt.
Trong khi đó, việc sử dụng Nhân dân tệ ngày càng tăng sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong lĩnh vực ngân hàng Nga và gây ra sự biến động về giá trị tiết kiệm của chính phủ. Hơn nữa, sự phụ thuộc quá mức vào đồng Nhân dân tệ và Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại có thể làm tăng rủi ro về những cú sốc bên ngoài trong tương lai đối với nền kinh tế Nga".
Nguồn: https://baoquocte.vn/
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/11/2024: Ồ ạt tăng lãi suất huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng