Nhận diện đúng, đấu tranh hiệu quả với luận điệu xuyên tạc

Thứ tư, ngày 7 tháng 2 năm 2024 | 12:8

Có thể khẳng định, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được qua gần 40 năm đổi mới theo mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Do vậy, nhận diện đúng và tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái về đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Có thể nhận diện những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch theo các nhóm vấn đề sau:

Một là, chúng xuyên tạc rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, theo một phương án duy nhất là phát triển thành kinh tế tư bản chủ nghĩa. Không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, đạt được kết quả còn lớn hơn nhiều.

Ba là, Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong khi vẫn tuyên truyền, mỵ dân bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm của chủ nghĩa xã hội.

Những luận điệu trên bộc lộ mưu đồ đen tối là xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; gây tâm lý hoài nghi, dao động, lung lạc niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong xã hội. Hơn nữa, những quan điểm sai trái đó xuất phát từ sự đồng nhất sai lầm giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản, khi quan niệm rằng: “Kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản; kinh tế thị trường vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ đây, họ đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Nhìn chung, những luận điểm sai trái về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là những quan điểm chủ quan, không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao nhận thức và chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thành tựu bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc

Trước tình trạng nền kinh tế lạc hậu và chậm phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng sự phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Đó là nhận thức và đổi mới tư duy kinh tế, là sự từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách sáng suốt.

Vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội của Đảng với việc đề ra các phương hướng, định hướng, mục tiêu và các giải pháp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tư duy về kinh tế của Đảng được đổi mới bắt đầu từ khi chấp nhận phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước ở Đại hội VI và qua các kỳ đại hội tiếp theo liên tục đổi mới.

Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Đây là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy của Đảng và thực tiễn vận hành ở Việt Nam, được đúc kết trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học qua các kỳ đại hội VII, VIII của Đảng. Đại hội IX của Đảng xác định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Đồng chí Uêđa Côichirô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản trong bài phát biểu chào mừng Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử,… “mà”… chưa một ai đi qua”[2]. Bắt đầu từ đây, đổi mới tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được đẩy mạnh hơn, ngày càng toàn diện hơn.

Đại hội XI (2011) của Đảng làm rõ nội hàm, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”[3].

Đại hội XII (2016) của Đảng làm rõ hơn khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cả nội hàm, mục tiêu và cách thức thực hiện: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4].

Tiếp theo đó, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó chỉ rõ “Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững”[5] và Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế.

Qua gần 40 năm đổi mới ở Việt Nam, có thể thấy rằng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hướng đi đúng. Vì những năm trước đổi mới (trước 1986), tốc độ tăng trưởng kinh tế hầu như không đáng kể, có năm kinh tế tăng trưởng âm. Những năm đầu đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự tăng khá, lúc đầu khoảng 2%, sau đó lên 4,5% và đạt 6% vào năm 1991. Đặc biệt, vào năm 1995, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lên đến 9,5% và năm 1996 ở mức 9,34%. Năm 1999, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ là 4,77%, đến 2009 là 5,32%, 10 năm sau vào năm 2019 là 7,02%.

Phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 17-5-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá”. “Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%”[6]. Đây là những thành quả và minh chứng cho sự đúng đắn đổi mới tư duy kinh tế và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nền kinh tế của Đảng.

Tuy nhiên, không chỉ tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch còn tập trung tấn công vào hạt nhân của Đảng - cán bộ, đảng viên. Chúng dẫn chứng những vụ án kinh tế lớn để bình luận, phân tích những cán bộ, đảng viên sai phạm, suy thoái đạo đức đã bị xử lý kỷ luật và quy chụp họ là đại diện cho đa số đảng viên. Những luận điểm thiếu tính thuyết phục này chỉ làm dao động một bộ phận nhỏ những người không nắm vững lý luận cách mạng của Đảng, sa sút về phẩm chất chính trị, không tôn trọng và biết ơn lịch sử. Còn lại, đại đa số nhân dân, cán bộ, đảng viên đều đồng lòng, ủng hộ sự quyết tâm của Đảng trong rèn luyện, xử lý cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Dám thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết xử lý, khắc phục hạn chế của mình, Đảng ngày càng củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, cán bộ đảng viên. Lấy sai phạm của một vài cá nhân để bôi nhọ danh dự của một Đảng, của một đất nước là một hành động sai cả về lý luận và thực tiễn. Những kẻ cố tình không thừa nhận lý luận khoa học và xuyên tạc sự thật thì không thể đáng tin và càng không thể mang lại những điều tốt đẹp cho một dân tộc.

Trên thực tế, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là một quá trình không đơn giản, bởi đây là khái niệm mới, phản ánh mô hình kinh tế thị trường mới ở Việt Nam - một mô hình đơn nhất, chưa có tiền lệ trong lịch sử tiến hóa của mô hình kinh tế thị trường trên thế giới. Mô hình này khác với các mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nó vừa được xác lập trong thời kỳ đổi mới và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, định hình cấu trúc và bản chất. Nhưng vượt lên trên tất cả, với sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...!

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.86.

[2] Lời chào mừng Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.53.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.204-205.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016. tr.102.

[5] Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 3-6-2017, lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

[6] Nguyễn Phú Trọng, Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2023, tr.125.

(Kính mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo trên số báo ra ngày 14-2)