Nhận diện thủ đoạn 'thám tử', 'chát sex' để tống tiền

Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024 | 15:26

Mới đây, cơ quan công an đã cảnh báo về tình trạng lừa đảo bằng cách “giả danh thám tử" hay "chat sex” gọi điện hoặc nhắn tin để tống tiền nạn nhân...

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phát đi cảnh báo, gần đây người dân trên địa bàn tỉnh nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ tự xưng là thám tử kèm theo đe dọa sẽ tung lên mạng các thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm... nếu người nhận tin nhắn không chuyển tiền để giữ bí mật. 

2024_12_06_15_16_471.png

Tin nhắn, hình ảnh đối tượng gửi cho nạn nhân. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Cụ thể, ngày 6/12, một số người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trình báo với công an về việc đã nhận được tin nhắn lạ với nội dung: “Xin chào, tôi là thám tử tư, được sự ủy thác của khách hàng và sếp giao nhiệm vụ theo dõi bạn từ lâu.

Qua thu thập chứng cứ, tôi đã tìm ra bằng chứng về lối sống và các vấn đề phạm tội của bạn. Đáng lẽ tôi phải chuyển thông tin này cho sếp của tôi, sự việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, vì lý do bảo mật nên tôi chụp ảnh màn hình để gửi thông báo cho bạn...". 

Khoảng tháng 9 vừa qua, chị L.T. A. (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được tin nhắn với nội dung gửi hình ảnh, video clip nhạy cảm chồng chị “thân mật” cùng phụ nữ khác trên giường.

Do chồng chị A. đang công tác trong cơ quan nhà nước, vì muốn giữ thể diện cho chồng cũng như gia đình và các con nên chuyển 300 triệu đồng cho đối tượng. Khi đối tượng lại yêu cầu chuyển thêm tiền, chị A. đã không nghe theo. 

Đến khi chị A. nói lại với chồng và gia đình thì mới vỡ chuyện không đúng sự thật. 

Trước sự việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân: Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi có nội dung đe dọa tống tiền cần bình tĩnh, không hoảng sợ, cần nói cho người trong gia đình biết và trình báo ngay với lực lượng chức năng...

Đặc biệt, người dân không làm theo bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng như: Nộp tiền chuộc; chuyển tiền để điều tra, chứng minh vô tội; truy cập vào đường link, web, yêu cầu cài ứng dụng (app) để xác minh thông tin, bảo mật…

Người dân cũng không nên phản hồi tin nhắn. Bên cạnh đó, cần nâng cao bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin nhạy cảm qua mạng xã hội hoặc các nền tảng không đáng tin cậy. Cập nhật mật khẩu tài khoản thường xuyên và sử dụng các biện pháp bảo mật mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý tội phạm học, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Cty Luật TAT Law Firm), dấu hiệu nhận biết kẻ lừa đảo là thường đưa ra thông tin chung chung và rất mông lung nhằm gây tâm lý hoảng sợ với mọi người và kèm theo đó là yêu cầu chuyển tiền qua các phương thức thanh toán không minh bạch.