Nhân rộng mô hình nhân đạo cộng đồng
Công tác trợ giúp người gặp khó vươn lên tại gia đình và cộng đồng, dựa vào nguồn lực cộng đồng đã đạt hiệu quả tích cực.
Thế nên, năm 2024, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm xây dựng, nhân rộng những mô hình nhân đạo cộng đồng. Thời gian thực hiện tập trung cao điểm vào Tháng nhân đạo, diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5.
Các thành viên Câu lạc bộ Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn bán nông sản gây quỹ nhân đạo. Ảnh: Thanh Thúy
Nhiều mô hình mới
Giữa cái nắng mùa hè chói chang, trưa 26-4-2024, các thành viên Câu lạc bộ Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn đến thăm hỏi, trao kinh phí hỗ trợ cho một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện. Các tình nguyện viên cho biết: “Nguồn lực đến với người gặp khó sớm ngày nào tốt ngày đó, nên chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa đi làm việc nghĩa tình”.
Đón nhận phần quà 7,2 triệu đồng từ các tình nguyện viên, chị Nguyễn Thị Thúy, ở thôn Yên Ninh, xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) rưng rưng xúc động. Theo lời kể, chồng chị Thúy là anh T.G.T (sinh năm 1981), không may mắc bệnh thận. Gia đình chị từ nơi khác đến xã Hiền Ninh, không có nhà ở, khiến cuộc sống vốn đã khó lại càng thêm khó. “May mắn cho chúng tôi khi được sống trong cộng đồng giàu tình yêu thương. Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời từ những tấm lòng hảo tâm”, chị Nguyễn Thị Thúy bày tỏ.
Ngoài địa chỉ nêu trên, những tháng đầu năm nay, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn trợ giúp cho nhiều trường hợp khó khăn với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Từ tháng 4-2024, câu lạc bộ còn vận hành chuyến xe nghĩa tình, vận chuyển miễn phí bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ vùng xa, khó về điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn Trần Thanh Thanh Thúy cho hay: “Ngoài việc huy động sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, chúng tôi tạo dựng nguồn quỹ bằng cách hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông sản của bà con nông dân, lấy tiền lãi làm việc tử tế. Đó là điểm mới và khác biệt, góp phần mang lại lợi ích cho nhiều bên”.
Tương tự, Hội Chữ thập đỏ huyện Ứng Hòa cũng đưa nhiều mô hình nhân đạo mới vào hoạt động. Các mô hình nổi bật là: “Gian hàng nhân ái” với thông điệp “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận” đặt tại thị trấn Vân Đình; xe điện miễn phí chở bệnh nhân từ điểm xe buýt vào Bệnh viện Đa khoa Vân Đình...
Hưởng ứng Tháng nhân đạo năm 2024, Hội Chữ thập đỏ nhiều địa phương khác cũng triển khai nhiều mô hình nhân đạo mới. Trong đó, mô hình được thực hiện trên quy mô toàn thành phố là ra quân tổng vệ sinh môi trường tại nhiều tuyến đường, phố vào chủ nhật hằng tuần. Thời gian thực hiện từ giữa tháng 4, tập trung cao điểm vào tháng 5 và duy trì vào các tuần tiếp theo.
Nuôi dưỡng những “hạt mầm” yêu thương
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu khẳng định, nhân đạo luôn là yếu tố gốc trong mọi chương trình, hoạt động của tổ chức Hội Chữ thập đỏ. Điều này có được khi mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng cùng tham gia, cùng hành động từ những việc nhỏ, thiết thực hằng ngày. Các cấp hội nuôi dưỡng những “hạt mầm” yêu thương bằng cách nhân rộng, phát triển tổ chức hội, mạng lưới cán bộ, hội viên, tình nguyện viên giàu lòng nhân ái.
Đến nay, toàn thành phố có gần 7.000 hội, chi hội với số lượng hơn 772.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ. Mỗi người, tùy theo khả năng, điều kiện của mình, đã và đang không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong công tác vận động, huy động, đóng góp nguồn lực nhằm góp phần trợ giúp người gặp khó...
Cứ thế, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội có mạng lưới hội viên, tình nguyện viên, nhà hảo tâm thuộc mọi thành phần, lứa tuổi. Nhiều người tuổi đã cao, vẫn tích cực hoạt động từ thiện như bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, trú tại số 3 phố Trần Nguyên Hãn (quận Hoàn Kiếm) với nguồn lực trợ giúp hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đáng khích lệ là những học sinh biết dành dụm tiền mừng tuổi, tiền thưởng do có thành tích tốt để giúp đỡ bạn nghèo. Có thể kể đến hai chị em Đặng Vũ Ngọc Mai và Đặng Vũ Hà Châu (quận Ba Đình) vừa ủng hộ 350 triệu đồng để Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng những phần quà ý nghĩa đến học sinh nghèo vượt khó. Dịp này, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội (quận Thanh Xuân) ủng hộ hơn 2 tỷ đồng xây dựng 9 phòng học cho các bạn vùng cao...
Nhằm khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực làm việc thiện tại cộng đồng, thông qua chuỗi chương trình, hoạt động hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2024 và thời gian sau đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội sẽ chọn ra 70 tấm gương “Người tốt, việc thiện” để tôn vinh.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá, nhờ bền bỉ nuôi dưỡng những “hạt mầm” yêu thương cùng sự sáng tạo trong quá trình triển khai các mô hình nhân đạo tại cộng đồng, Hà Nội hiện có nền tảng để xây dựng những xã, phường, thị trấn nhân ái, cộng đồng nhân ái. Các mô hình được quan tâm nhân rộng chính là môi trường lưu giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội.
\
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3