Nhất thân, nhì quen

Thứ sáu, ngày 18 tháng 3 năm 2022 | 14:15

Có lẽ tôi là một trong số ít người nước ngoài ở Việt Nam hiếm khi đi khám ở bệnh viện tư hay bệnh viện quốc tế.

Tôi thường tới các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội. Tôi biết bác sĩ ở đây rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm.

Gần đây, tôi muốn khám xương khớp. Tôi gọi cho một người bạn Việt Nam xem bác sĩ nào giỏi ở các viện tuyến đầu để tôi tới đó khám. Bạn tôi không chỉ giới thiệu mà do biết tôi ngần ngại, còn nhanh tay điện thoại cho bác sĩ, hẹn lịch luôn cho tôi. Có "quen biết" và còn là một Đại sứ, tôi được khám tận tình, chu đáo, nhanh chóng. Bác sĩ kê đơn thuốc tốt và bệnh của tôi thuyên giảm.

Khi nhập viện, tôi thấy y bác sĩ luôn hỏi các bệnh nhân: "Người nhà đâu?", "Thế không có người nhà đi cùng à?". Người nhà sẽ chạy đôn chạy đáo đi nộp tiền viện phí, đi lấy kết quả xét nghiệm, kiêm luôn việc chăm nom bệnh nhân nặng. Và người nhà phải làm công việc quan trọng nhất là "thiết lập quan hệ" với y bác sĩ để được lưu tâm hơn.

Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên. Ở các bệnh viện nước ngoài, người nhà bệnh nhân được mời ra ngoài đầu tiên. Thân nhân không được phép vào, trừ những giờ thăm theo quy định. Ở Việt Nam, không có người thân hay không biết "gọi điện cho người thân" là mọi việc dễ gặp khó khăn, không chỉ trong lĩnh vực y tế.

Trong lĩnh vực hành chính, "nhất thân, nhì quen" cũng trở thành thông lệ. Từng làm đại sứ nhiều nơi, tôi biết, ở nước ngoài, nếu thật sự thân quen, bạn cũng được ưu tiên hơn nhưng không thể nhanh chóng và khác biệt như ở Việt Nam.

Tôi suy nghĩ mãi về điều này, tại sao "nhất thân, nhì quen" lại phổ biến ở Việt Nam hơn ở nhiều nước khác. Có một số nguyên nhân, trong đó có văn hoá "duy tình" thấm rất sâu trong lòng xã hội Việt Nam.

Người Việt vốn duy tình, tức là chú trọng phương diện tình nghĩa hơn các khía cạnh khác trong mọi vấn đề. Người Việt có câu "Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình". Tôi biết, một số cơ quan Việt Nam vẫn có xu hướng chọn lựa nhân sự theo góc độ tình cảm. Những cán bộ gắn bó hàng chục năm với cơ quan thường được xem là "lão làng", thậm chí được đưa con cháu vào hưởng suất thế chỗ khi họ nghỉ hưu. Ai cũng hiểu, nghĩa cử ấy là tốt nếu người được tiếp nhận có đủ năng lực cần thiết để đáp ứng công việc. Nhưng không thiếu trường hợp, người tuyển chọn vẫn vì tình cảm mà bỏ qua khía cạnh này, khiến bộ máy có nhiều cán bộ thiếu trình độ.

Cách giải quyết theo kiểu "tình đi trước lý" như vậy có thể chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định. Trong bối cảnh một xã hội hiện đại và ngày càng hội nhập, mọi thứ sẽ phải khác đi mới hiệu quả được. Nhà nước Việt Nam cũng đang nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, nghĩa là mọi công việc được giải quyết trên cơ sở luật pháp, chứ không phải trên quan hệ thân hữu.

Vấn đề là làm thế nào để thực sự có xã hội pháp quyền khi văn hoá "thân quen" vẫn ăn sâu bám rễ như hiện nay. Tôi cho rằng quan trọng nhất là giáo dục. Tận dụng "quen biết" để giành lợi thế cho mình là phản ứng tự nhiên của con người nói chung. Vì thế ở các quốc gia phát triển, các khoá học liên tục được triển khai trong các cơ quan, công ty nhằm đào tạo cán bộ về quy tắc đạo đức, trong đó việc tạo điều kiện cho quan hệ thân hữu và thiên vị cá nhân không được chấp nhận.

Tôi chưa thấy giáo dục về việc này được đẩy mạnh trong các cơ quan, công sở ở Việt Nam. Tận dụng sự "thân quen" vẫn được coi như "chuyện thường ngày ở huyện", thậm chí được chọn là đường tắt để giải quyết các vấn đề khó.

Một số cá nhân có quan hệ sẽ được hưởng lợi từ cách làm này, nhưng toàn bộ hệ thống thì không thể tiến lên bằng "đường tắt". Một xã hội phải được duy trì theo nguyên tắc pháp trị, duy lý và bình đẳng giữa các công dân.

Giáo dục là biện pháp đi trước. Giám sát là biện pháp đi sau. Hai chân này giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp quyền bền vững và vận hành xã hội hiệu quả. Tôi tin chắc rằng khi Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu hơn nữa, thói quen này sẽ dần dần thay đổi.

Nguồn VnExpress.net

https://vnexpress.net/nhat-than-nhi-quen-4440220.html