Nhiệm vụ của bệnh viện sức khỏe tâm thần
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư nêu rõ nhiệm vụ của bệnh viện sức khỏe tâm thần như sau:
Khám bệnh, chữa bệnh tâm thần theo các hình thức điều trị ngoại trú, ban ngày và nội trú, bao gồm: Cấp cứu, hồi sức; khám bệnh, chữa bệnh tâm thần; thực hiện các liệu pháp tâm lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, âm nhạc trị liệu, phục hồi chức năng tâm thần xã hội và các liệu pháp khác theo phạm vi hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định chuyên môn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật mới, phương pháp mới về khám bệnh, chữa bệnh tâm thần theo quy định; tư vấn về nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần, hướng nghiệp và hỗ trợ xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh; khám bệnh, chữa bệnh tâm thần trong các trường hợp thiên tai, thảm họa và dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức hoặc tham gia khám và chứng nhận tình trạng sức khỏe tâm thần cho các đối tượng theo quy định; hỗ trợ hoặc tham gia khám bệnh, chữa bệnh tâm thần cho tuyến dưới và tại cộng đồng; tham gia các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khác khi được huy động, điều động.
Đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế
Bệnh viện sức khỏe tâm thần cũng có nhiệm vụ thực hiện việc đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức về tâm thần; là cơ sở đào tạo thực hành về chuyên ngành tâm thần cho các cơ sở đào tạo về sức khỏe theo quy định; tiếp nhận thực tập sinh, chuyên gia nước ngoài đến học tập, nghiên cứu theo quy định.
Bệnh viện sức khỏe tâm thần cũng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bao gồm: Thực hiện và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học theo quy định; tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học trong khám bệnh, chữa bệnh tâm thần; tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học; tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước theo quy định.
Bệnh viện sức khỏe tâm thần chỉ đạo hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được giao phụ trách, bao gồm: Chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe tâm thần; hỗ trợ kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe tâm thần; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, bệnh viện sức khỏe tâm thần cũng thực hiện nhiệm vụ dự phòng, truyền thông, giáo dục sức khỏe tâm thần: Tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân; triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe tâm thần; chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan để triển khai hoạt động phòng, chống các rối loạn tâm thần cộng đồng và nâng cao sức khỏe tâm thần, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường.
Ngoài ra, bệnh viện sức khỏe tâm thần thực hiện công tác dược (thực hiện các quy định, quy chế dược bệnh viện, quản lý thuốc hướng thần theo quy định) và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc khi đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc được điều động, huy động.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
Tuệ Văn
- Hướng dẫn đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
- Cần quy định bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
- Bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Online Banking
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- "Điểm danh" 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội
- Đề xuất nhiều chính sách trợ cấp với cán bộ không đủ tuổi tái cử tự nguyện nghỉ hưu sớm