Nhiều DN bất động sản vào cuộc giải 'cơn khát' nhà ở xã hội
Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Vingroup, Novaland… lần lượt công bố xây hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền cho người lao động.
Nhiều DN bất động sản vào cuộc giải 'cơn khát' nhà ở xã hội
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Vingroup, Novaland… lần lượt công bố xây hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền cho người lao động.
Hiện nay, nhiều người đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, trong đó có hàng triệu người lao động với thu nhập từ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng, mong muốn có một căn hộ nhỏ để an cư. Tuy nhiên, ước mơ chính đáng này đang ngày càng khó thực hiện bởi thực tế, những năm gần đây, giá nhà đất tại các thành phố lớn như TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng ven ngày càng tăng cao. Sau đại dịch COVID-19, bài toán an cư cho người lao động thu nhập thấp càng trở nên bức thiết và đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện nay trên thị trường bất động sản, tỉ trọng nhà ở cho người thu nhập thấp chiếm rất thấp trong tổng nguồn cung. Cụ thể trong quý II/2022, chỉ có 3 dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành trên cả nước với 1.134 căn tại Kon Tum, Ninh Thuận. Hiện có 96 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên cả nước với 123.514 căn.
Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị, nhà ở cho công nhân với tổng quy mô 156.000 căn, tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Trên cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với khoảng 455.000 căn, diện tích ước tính 22,718 triệu m2.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội - hai phân khúc đang có nhu cầu cao bậc nhất nhưng nguồn cung hạn chế vì rất nhiều lý do.
Trong đó, theo ông Châu, hiện nay doanh nghiệp dù có tâm huyết và mong muốn tham gia vào phân khúc này cũng gặp rất nhiều khó khăn vì vướng nhiều quy định, thủ tục như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục đầu tư dự án kéo dài... Mặt khác, từ góc độ người mua, cũng có rất nhiều quy định và điều kiện đi kèm khiến người có nhu cầu thực khó tiếp cận với nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Những trở ngại này làm khó cả doanh nghiệp và người có thu nhập thấp đang "khát" nơi an cư cho gia đình.
Lời cam kết của những DN bất động sản cho nhà ở xã hội
Trước bài toán khó về an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất lập đề án đầu tư xây dựng một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2022-2030. Đề án này được nhận định mang tính "mở đường" cho sự phát triển loại hình nhà ở xã hội và nhà ở vừa túi tiền trên cả nước, trên phương diện hành lang pháp lý và huy động tổng nguồn lực của xã hội.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Sau Hội nghị ngày 1/8, nhiều tập đoàn lớn đã công bố thông tin xây dựng nhà ở xã hội. Có thể kể đến như Vingroup cam kết 500.000 căn, Novaland cũng cho biết nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là TPHCM. Các doanh nghiệp khác như Him Lam, Sun Group, Bitexco… cũng tham gia hưởng ứng mục tiêu chung của Chính phủ.
Sớm nhất trong năm nay phải kể đến Tập đoàn Hưng Thịnh. Cụ thể, vào tháng 1/2022, Tập đoàn này công bố Sáng kiến Nhà ở vừa túi tiền. Trên cơ sở đó, Hưng Thịnh đã kết hợp với Tập đoàn Gỗ Trường Thành và Đồng Tâm Group, huy động nguồn lực chung của toàn bộ chuỗi giá trị bất động sản: Từ quỹ đất, ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, nguyên vật liệu, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, giải pháp thi công, giải pháp quản trị dự án... cho đến khi hình thành được căn nhà. Mục tiêu của sáng kiến là tạo ra những ngôi nhà bảo đảm chất lượng, có giá thành phù hợp với người có thu nhập thấp.
Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho biết, Tập đoàn này xác định phát triển nhà ở vừa túi tiền là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Với Hưng Thịnh đây cũng chính là hành trình của doanh nghiệp trong 20 năm qua, gắn liền với những dự án có giá thành vừa túi tiền, tạo nơi an cư cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Theo ông Trung, một trong những bài toán lớn nhất của nhà ở xã hội là làm thế nào để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành để có những giải pháp toàn diện, tạo điều kiện để có được nguồn cung nhà ở cho mọi người.
"Hầu hết người dân tại các thành phố lớn đều mong muốn sở hữu nhà ở để xây dựng cuộc sống và gắn bó gần như cả cuộc đời. Do đó việc có được ngôi nhà là một bước ngoặt lớn, một ước mơ, thậm chí là một gia tài phải tích lũy cả đời. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân có nhà, ngân hàng có chính sách cho vay, lãi suất thấp. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công, phát triển... liên kết lại với nhau để tạo ra những ngôi nhà chất lượng, giá thành vừa túi tiền. Và quan trọng là phải có những cơ chế mang tính đột phá, thông thoáng, tạo điều kiện để phát triển nguồn hàng. Tập đoàn chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ và các bộ, ngành, đi đầu là Bộ Xây dựng, vào cuộc giải bài toán nhà ở vừa túi tiền cho đông đảo người dân. Bởi vì với chúng tôi, hạnh phúc lớn nhất là đem đến ngôi nhà cho tất cả mọi người", ông Nguyễn Đình Trung chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, với quỹ đất, năng lực, kinh nghiệm và khả năng huy động toàn chuỗi giá trị bất động sản, Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội – nhà ở vừa túi tiền tại TPHCM và mở rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận.
Các thủ tục pháp lý và đề xuất chính sách từ góc độ doanh nghiệp cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu kêu gọi những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và thực tiễn cho bài toán an sinh – xã hội vốn đã tồn tại rất nhiều năm trên thị trường bất động sản.
Trước đó, vào giai đoạn thị trường nhà đất đóng băng những năm 2008-2013, Hưng Thịnh cũng đã tạo tiếng vang khi cung cấp dòng sản phẩm vừa túi tiền như chuỗi căn hộ 8X Đầm Sen, 8X Thái An, 8X Plus… (TPHCM) với giá chưa đến 1 tỷ đồng, giải bài toán an cư cho thế hệ 8X sinh sống và lập nghiệp tại TPHCM.
Với sự hợp lực của những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết, cùng với sự hỗ trợ về chính sách, nhiều chuyên gia tin tưởng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập sẽ sớm được cải thiện, góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nhã An
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- 0 aA Chỉ đạo, quyết định của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- Hệ thống hóa pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa quy định về sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Đường, cầu đường bộ có thời gian sử dụng tính hao mòn là 40 năm