Nhiều bệnh nguy hiểm “tấn công” khi trời lạnh
Thời tiết giá lạnh những ngày qua khiến số người nhập viện tăng mạnh. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân gây bệnh đến từ rất nhiều sai lầm nguy hiểm mà người dân thường mắc phải khi trời lạnh. Vì vậy, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe đúng cách là hết sức quan trọng và cần thiết.
Chăm sóc bệnh nhân bị ảnh hưởng do trời lạnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Số người nhập viện tăng mạnh
Trong đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Lão khoa trung ương) tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Viêm phổi và tai biến mạch máu não là hai bệnh phổ biến nhất mà người cao tuổi dễ gặp phải.
Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết, trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người tăng huyết áp. Bởi khi nhiệt độ xuống thấp, các mao mạch sẽ co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, nếu không theo dõi thường xuyên dễ bỏ qua triệu chứng dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não. Thêm vào đó, thời tiết giá rét kéo dài cũng là yếu tố làm bùng phát các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là với các bệnh nhân có sẵn bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Điển hình như bệnh nhân N.T.K (84 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp nhưng chủ quan, thường xuyên quên uống thuốc. Đợt lạnh này kéo dài khiến ông K phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, không thể đi lại bình thường. Đến bệnh viện, ông K được chẩn đoán huyết áp tăng 200/120 mmHg và phải nhập viện điều trị khẩn cấp.
Không chỉ người cao tuổi mà khi thời tiết chuyển lạnh, tại các bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ do cao huyết áp. Những ngày qua, các giường bệnh tại Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) luôn rơi vào cảnh… hết chỗ.
Nằm điều trị tại đây, anh N.V.T (33 tuổi ở Hà Nội) cho hay: “Hai năm nay, tôi phải sống chung với căn bệnh tăng huyết áp. Thế nhưng, do nghĩ mình trẻ khỏe nên chủ quan, không duy trì việc uống thuốc điều trị huyết áp đều đặn. Do đó, khi huyết áp tăng cao, xuất hiện dấu hiệu đột quỵ, gia đình đã đưa tôi nhập viện”.
Tương tự, anh H.Đ.M (34 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vì căn bệnh đột quỵ. Trước đó, sau giờ làm việc, anh H.Đ.M cùng một số đồng nghiệp chơi bóng bàn tại cơ quan. Khi đang chơi, anh xuất hiện triệu chứng yếu nửa người, khó nói nên được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện E, anh được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp. May mắn, do được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu nên bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối, tái tưới thông mạch máu não và dần hồi phục.
Tránh những sai lầm “chết người”
Thời tiết giá lạnh khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bệnh tật cũng phát sinh từ những sai lầm nguy hiểm mà nhiều người dễ mắc phải.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu nội (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) lưu ý, trước khi ra ngoài trời lạnh, nhiều người nghĩ rằng, uống trà nóng hay một số loại nước nóng khác có tác dụng giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực tế các đồ uống này sẽ làm cho mạch máu mở rộng nên khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống, gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, thay vì uống nước nóng chỉ nên uống một cốc nước ấm.
Ngoài ra, dù thời tiết chuyển lạnh nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen tập thể dục từ sáng sớm hay tắm quá khuya. Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, thời tiết khắc nghiệt khi quá lạnh, người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện. Nguyên nhân là cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường.
Ngoài ra, việc tập gắng sức ngay sau khi thức dậy có thể gây huyết áp tăng cao kịch phát và xảy ra đột quỵ. Bởi vì cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.
“Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc điều trị huyết áp nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ lại có thói quen dậy rất sớm đi tập thể dục, sau đó huyết áp tăng cao đột ngột gây đột quỵ. Do đó, khi thời tiết thay đổi, người cao tuổi cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy cần chờ cơ thể tỉnh táo, có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà. Ngoài ra, không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm”, bác sĩ Phạm Văn Cường lưu ý.
Với người trẻ, các bác sĩ cũng cho rằng, nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để có thể phòng ngừa các nguy cơ. Đặc biệt, với những người ít vận động, ăn uống nhiều chất dư thừa tích tụ sẽ gây rối loạn chuyển hóa, lắng đọng trong thành mạch, gây xơ cứng mạch dẫn đến cao huyết áp. Khi bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mặt khác, không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
- Hai điểm lạ của cơn đau đầu cảnh báo u não
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy