Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản dự định mở rộng kinh doanh ở Việt Nam
54,3% doanh nghiệp Nhật Bản có lãi, 56,2% các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 ở Việt Nam có “Cải thiện” so với năm 2021.
Theo “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương năm tài chính 2021” vừa được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố, 54,3% doanh nghiệp Nhật Bản có lãi, 56,2% các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 ở Việt Nam có “Cải thiện” so với năm 2021.
Đây là cuộc khảo sát thường niên lần thứ 35 mà JETRO thực hiện. Khảo sát lần này thực hiện từ ngày 25/8/2021 đến ngày 24/9/2021, trùng với khoảng thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt do dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trả lời của các doanh nghiệp.
56,2% các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 ở Việt Nam có “Cải thiện” so với năm 2021.
Phản hồi từ 4.635 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 702 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc phục hồi của các doanh nghiệp chậm hơn so với các nước khác.
Tại miền Nam và miền Trung, có hơn 40% các doanh nghiệp trả lời lợi nhuận kinh doanh “Suy giảm” do tỷ lệ vận hành giảm.
Tuy nhiên, 31,4% số doanh nghiệp Nhật đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trả lời lợi nhuận kinh doanh “Cải thiện” đã tăng lên so với khảo sát lần năm 2020.
Tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3%, tăng 4,7 điểm so với năm 2020. Riêng với ngành chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi là 57,5%; ngành phi chế tạo là 51,5%.
Có 28,6% doanh nghiệp bị lỗ trong năm 2021, giảm 1,5 điểm so với năm 2020. Khảo sát này cho biết thêm, tại khu vực chấu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ các doanh nghiệp có lãi trong năm 2021 phục hồi theo hình chữ V còn ở Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 NÊN phạm vi phục hồi nhỏ.
Nhìn vào dự báo lợi nhuận kinh doanh theo ngành nghề của Việt Nam, thì tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trong ngành chế tạo là 57,5% và trong ngành phi chế tạo là 51,5%, đều tăng so với năm 2021 6,7 điểm và 3,3 điểm.
31,4% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam có cải thiện, tăng 13,6% điểm so với năm 2020 và 36,6% số doanh nghiệp cho biết lợi nhuận kinh doanh suy giảm- giảm 16,2 điểm so với năm 2020.
Về năm 2022, hơn 50% doanh nghiệp ngành chế tạo và phi chế tạo kỳ vọng sẽ cải thiện nhưng 10% doanh nghiệp trong ngành chế tạo dự báo có xấu đi.
55,3% các doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới tăng 8,5 điểm so với năm trước, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4/20 quốc gia trong chương trình khảo sát, chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội của JETRO cho biết: Năm 2022 được dự báo là vẫn sẽ tiếp tục khó khăn, do đại dịch còn khó lường, nhưng Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ có một chương trình phục hồi kinh tế, điều này mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp. Đồng thời tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam cao, là điều kiện quan trọng để Việt Nam tính đến chuyện mở cửa.
Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima lưu ý, việc mở cửa thực sự không chỉ là ở phía Việt Nam mà còn phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác trong khi nhiều quốc gia vẫn đóng cửa nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ một số vấn đề quan ngại. Đó là thiếu hụt nhân công và tiền lương tăng vọt, đó là sự phức tạp trong thủ tục hành chính. Quan ngại nữa là trong làn sóng dịch vừa rồi chính quyền các địa phương không thống nhất và sự phức tạp của thủ tục hành chính tiếp tục tăng cao so với trước.
“Trong đợt dịch vừa rồi có nhiều lao động đã rời nhà máy về quê. Một số có thể sau Tết sẽ trở lại nhưng một số khác không biết có trở lại hay không. Và để có thu hút được lao động về nhà máy thì phải tăng lương, đó là khó khăn của doanh nghiệp”, ông Takeo nói.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận hành chính sách thiếu minh bạch như chính sách công nghiệp, chính sách năng lượng và quy định vốn nước ngoài… Việc vin visa và giấy phép lao động còn khó khăn và phức tạp.
Tuy lạm phát trong nước đang được kiểm soát ở mức thấp nhưng áp lực lạm phát còn lớn, doanh nghiệp quan ngại việc giá nhiên liệu, nguyên liệu, tiền lương, giá lương thực thực phẩm sẽ tăng sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất.
“Thởi gian và chi phí thừa do các thủ tục hành chính khác nhau gây ra là cản trở hoạt động kinh doanh và đầu tư mới. Các vấn đề này có thể làm mất đi cơ hội đầu tư mới, cơ hội tiếp tục kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản mong đợi một môi trường hoàn thiện, nơi việc tuân thủ các quy định dễ dàng”, báo cáo của JETRO viết.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/nhieu-doanh-nghiep-nhat-ban-du-dinh-mo-rong-kinh-doanh-o-viet-nam-post178113.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine