Nhịp cầu số” kết nối chính quyền với người dân
i mục tiêu tiên phong trong phát triển kinh tế số, xã hội số, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, Hà Nội đã tăng cường đẩy mạnh các ứng dụng số trong quản lý, điều hành.
Mới đây nhất, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) chính thức ra mắt và được coi như bước đột phá trong việc kéo gần chính quyền thành phố với người dân.
Ứng dụng iHanoi trên điện thoại di động.
“Đòn bẩy” nâng cao chất lượng phục vụ
Trước khi chính thức ra mắt, một trong những chuyên mục của iHanoi được rất nhiều người quan tâm là “Phản ánh hiện trường”. Người dân kỳ vọng, những phản ánh kiến nghị của bản thân sẽ được truyền tải nhanh chóng tới chính quyền địa phương; chấm dứt tình trạng “người nói không có người nghe” hoặc tiếp nhận nhưng để đó, “từ từ xử lý”.
Sau hơn 2 tháng thí điểm và gần nửa tháng chính thức triển khai, iHanoi đã bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các vấn đề được người dân gửi tới chuyên mục “Phản ánh hiện trường” như các vi phạm về bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... Những phản ánh đó, dù lớn hay nhỏ đều được chính quyền tiếp nhận, trả lời ngay; đi kèm thông báo trả lời là hình ảnh về kết quả xử lý.
Đơn cử như phản ánh của người dân sống tại ngõ 622 phố Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) về tình trạng tập kết rác tại chân tòa chung cư Amber Riverside gây ô nhiễm môi trường. Rất nhanh sau khi nhận được phản ánh, UBND phường Vĩnh Tuy đã làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, Công ty Môi trường đô thị - chi nhánh Hai Bà Trưng và Ban Quản lý, Ban Quản trị tòa nhà cùng Tổ dân phố số 19 thống nhất di chuyển bãi tập kết rác sang vị trí vỉa hè giáp ranh khu đất trống thuộc Công ty Bánh kẹo Hải Châu. Đồng thời, UBND phường đề nghị Công ty Môi trường đô thị - chi nhánh Hai Bà Trưng tăng cường công tác vệ sinh môi trường và rửa điểm tập kết sau khi chuyển rác; tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Là cư dân tại chung cư Amber Riverside, anh Nguyễn Văn Công khá bất ngờ về sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. “Các bãi tập kết rác gây ô nhiễm từng rất phổ biến ở nhiều ngõ phố Hà Nội và thực tế thì trước đây chính quyền phải mất rất lâu mới có thể xử lý. Có những bãi tập kết rác tự phát mất hàng chục năm mới xử lý được dứt điểm. Vậy mà giờ đây vấn đề này đã được giải quyết trong ngày một ngày hai nhờ có iHanoi” - anh Công chia sẻ.
Tương tự, sân Khu tập thể Ngân hàng (ngõ 96, Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) từ nhiều năm nay trở thành nơi trông giữ xe ngày và đêm, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Sau khi phản ánh, UBND phường Thanh Nhàn đã cử một tổ công tác tới kiểm tra hoạt động trông giữ xe; đồng thời các cán bộ địa bàn khu dân cư đã tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ dân chủ động gửi phương tiện riêng để đảm bảo phòng, chống cháy nổ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, sống tại căn hộ tầng 1 của khu tập thể cho biết, Khu tập thể Ngân hàng có khoảng 80 hộ dân thì 90% số xe máy của cư dân đều để ở sân, vì vậy, khoảng không gian duy nhất gần như đã bị lấp kín, chỉ để lại lối đi vào.
“Thật phấn khởi vì sau phản ánh, chính quyền địa phương đã vào cuộc. Dù kết quả chưa thực sự như mong đợi bởi những bất cập về hạ tầng và sự việc cũng tồn tại nhiều năm, nhưng những phản hồi từ chính quyền là ngoài sự mong đợi của người dân nơi đây” - bà Cúc đánh giá.
Hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số
Triển khai thí điểm từ tháng 2-2024, đến ngày 28-6 vừa qua, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) đã chính thức đi vào hoạt động, tạo lập kênh kết nối thông minh, tiện lợi giữa chính quyền các cấp thành phố Hà Nội với người dân và doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt để gia tăng độ phủ sóng của iHanoi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và đặc biệt là phục vụ nhân dân tốt hơn. Chủ tịch UBND thành phố đã ra Công điện yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành và đơn vị thuộc thành phố phải đảm bảo 100% cán bộ, công chức và viên chức cài đặt và sử dụng iHanoi trước ngày 30-7-2024. Các đơn vị này cũng phải giải quyết triệt để ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt ứng dụng cho người dân trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành trước ngày 15-9-2024. Công an thành phố được giao nhiệm vụ huy động lực lượng để hỗ trợ cài đặt và sử dụng iHanoi cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh mạng và vận hành ổn định ứng dụng. Văn phòng UBND thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng iHanoi cho cán bộ và người dân, đảm bảo tổng đài 1022 - nhánh số 8 hoạt động hiệu quả để hỗ trợ công dân.
Với iHanoi, Hà Nội tiếp tục cho thấy quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số một cách sáng tạo, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID). Hà Nội còn đưa vào vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP), nền tảng đã kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố, 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các bộ, ngành.
Hà Nội cũng đang triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như hồ sơ sức khỏe điện tử TP trên VneID; ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; chưa kể các mô hình “Thanh toán không dùng tiền mặt”, “Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt”, “Chuyển đổi trong trường học” cũng đang được nhân rộng.
Nhằm tăng cường chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND thành phố cũng đã cụ thể hóa thành Kế hoạch và Chương trình chuyển đối số. Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Thành phố duy trì và phấn đấu đạt vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể thấy, với những nỗ lực trong thời gian qua, mới nhất là việc triển khai ứng dụng iHanoi, Thành phố Hà Nội đang cho thấy những bước đi chắc chắn và hiệu quả trên con đường chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
- LG Display đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng sản xuất tại Việt Nam
- Người dân TPHCM đã có thể kết nối với chính quyền bằng App Công dân số
- 'Cái nắm tay' cần thiết dẫn bước doanh nghiệp Việt Nam ra biển lớn
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Xác thực tài khoản bằng số điện thoại mới được đăng, livestream Facebook
- TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Yếu tố công nghệ then chốt giúp ông Trump đắc cử, Apple bị soán ngôi
- Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số, ứng dụng AI Make in Viet Nam