Nhóm cổ phiếu nào đang ngược sóng thị trường?
Thời gian gần đây một số mã nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trở thành tâm điểm với chuỗi tăng trần liên tiếp. Ảnh tư liệu

Nhiều nhóm cổ phiếu ngược sóng

Sau giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán ba tháng đầu năm, diễn biến tỷ giá, áp lực bán ròng của khối ngoại khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, VN-Index xác lập mức "nền" trong vùng 1.200 đến 1.300 điểm. Diễn biến trồi sụt của chỉ số, sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu trụ khiến dòng tiền ngày càng thận trọng. Càng về cuối năm, thanh khoản của thị trường chứng khoán càng giảm sâu.

Từ mức thanh khoản trung bình phiên trên 20.000 tỷ đồng trong giai đoạn nửa đầu năm, giá trị giao dịch trên HoSE những phiên đầu tháng 12 (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận) có nhiều thời điểm chưa tới 10.000 tỷ đồng.

Lực cầu yếu, dòng tiền chọn cách đứng ngoài quan sát khiến chỉ số của sàn HoSE nhiều phiên dừng sát ngưỡng tham chiếu, tăng phiên sáng nhưng giảm phiên chiều. Các nhóm cổ phiếu trụ cũng chuyển sang xu hướng đi ngang, với mức độ phân hóa cao. Hai nhóm chiếm tỷ trọng cao trong rổ vốn hóa là cổ phiếu ngân hàng và bất động sản nhiều phiên chỉ quanh vùng tham chiếu, thị giá trồi sụt trong biên độ hẹp.

Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận nhiều mã cổ phiếu "ngược sóng". Trong đó, đặc biệt một số mã nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trở thành tâm điểm với chuỗi tăng trần liên tiếp.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa gửi yêu cầu giải trình thông tin giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên với Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG). Mã cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng vọt gần đây sau những thông tin mới về hoạt động kinh doanh. Cuối tháng 11, thị giá cổ phiếu YEG chỉ loanh quanh ngưỡng 10.000 - 11.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ sau ba tuần đầu tháng 12, cổ phiếu YEG tăng gấp đôi lên hơn 21.000 đồng.

Tương tự Yeah1, nhiều cổ phiếu nhóm midcap và penny khác cũng liên tục tăng mạnh, bất chấp đà giằng co của thị trường chung. Cổ phiếu TDH của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đã tăng trần 4 phiên liên tiếp gần đây, có thêm gần 40% trong chưa tới một tuần. CMV cũng tăng 15% trong hai phiên 20 và 23/12. Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương tăng khoảng 10% trong ba phiên gần nhất. Trong nhóm cảng biển, VOS, VTO nhiều phiên đi ngược xu hướng. Một số cổ phiếu nhóm khác như xây dựng, xây lắp cũng được chú ý.

Tại sao nhóm midcap, penny tăng mạnh?

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền trên thị trường luôn có xu hướng tìm kiếm cơ hội sinh lời. Các nhóm cổ phiếu trụ, nhóm bluechip hiện bị ảnh hưởng bởi áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, diễn biến giằng co, nên không còn là lựa chọn hấp dẫn nếu tính tới hiệu suất sinh lời trong ngắn hạn.

"Một đặc điểm của nhóm cổ phiếu mid cap và penny là thường không có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên gần như đứng ngoài làn sóng bán ròng ồ ạt của khối ngoại từ đầu năm nay", chuyên gia này bình luận.

Trong khi đó, với quy mô vốn hóa và thị giá thấp, khả năng tăng giá của những mã này sẽ dễ dàng hơn. Điều này lý giải tại sao dòng tiền trong giai đoạn vài tháng gần đây có khuynh hướng tìm tới những nhóm cổ phiếu này.

Ngoài ra, một số nhóm ngành cũng được chú ý bởi tiềm năng từ hoạt động kinh doanh, như nhóm cảng biển, logictis, xây lắp, giúp một số cổ phiếu hút dòng tiền.

Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), các cổ phiếu small cap hay mid cap có động lực tăng cao hơn trung bình thị trường hiện nay, song đi kèm rủi ro.

Ví dụ như lĩnh vực xây dựng, xây lắp, chuyên gia này cho rằng nhiều cổ phiếu có thể có mức tăng tính bằng lần. Động lực đến từ việc hoàn nhập khoản phải thu đã trích lập dự phòng đòi về được, bán một số tài sản, thực hiện hợp đồng xây dựng và xây lắp. Điều này sẽ tạo nên doanh thu và lợi nhuận đột biến cho năm 2025.

"Tôi cho rằng cổ phiếu small cap và mid cap sẽ tăng mạnh hơn bình quân thị trường và những trường hợp này sẽ xảy ra nhiều trong năm 2025", chuyên gia VPBankS nhận xét.

Dù vậy, với dự báo thị trường có tích cực trở lại trong giai đoạn năm 2025, giới phân tích cũng cho rằng dòng tiền sẽ sớm trở lại với nhóm vốn hóa lớn.

"Chúng tôi tin rằng định giá cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hấp dẫn hơn khi xét về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh giai đoạn 2025 - 2026 so với các nhóm cổ phiếu khác", nhóm phân tích từ MBS nhận xét. Xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E thấp hơn so với trung bình ba năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.

Sự phục hồi của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đưa định giá của nhóm VNMID tăng

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán MB (MBS), sự phục hồi gần đây của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã đưa định giá của nhóm VNMID lên mức 17,3x P/E 12 tháng, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index.

Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn (đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường.