Những cuộc gọi bất nhân
Năm nào tôi cũng nhận được điện thoại từ trường học, báo con gặp vấn đề sức khỏe, đang ở phòng y tế.
Mỗi lần nhận những cuộc gọi như thế, chỉ cần nghe người bên kia đầu dây nói họ là cô y tế trường, tim tôi đã đập mạnh vì lo sợ. Vì thế mà tôi không rõ mình sẽ phản ứng thế nào nếu chẳng may có một ngày xấu trời, nhận được điện thoại từ “cô y tế” lừa đảo. Liệu tôi có đủ bình tĩnh để phân biệt được cô y tế thật và giả hay không?
Tin nhắn của kẻ lừa đảo giục phụ huynh chuyển tiền cho con mổ cấp cứu. Ảnh: CTV
Trong những ngày qua, phụ huynh ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… liên tiếp trở thành mục tiêu của chiêu trò lừa đảo mới: thông báo con chấn thương sọ não, con ngã cầu thang, con đang cấp cứu… để giục phụ huynh chuyển tiền ngay cho ca mổ gấp.
Trò lừa đảo độc ác này ban đầu xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh trước. Ít nhất 7 phụ huynh đã bị lừa chuyển khoản tổng cộng 310 triệu đồng khi nhận cuộc gọi nói con đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Kịch bản chung đều là đánh vào tâm lý của người làm cha, làm mẹ, thao túng tâm lý, thúc giục, làm cho họ mất bình tĩnh, dẫn tới thiếu sáng suốt mà chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Tới khi phát hiện ra thì đã muộn.
Công an, trường học, bệnh viện và báo chí cả nước đã liên tục cảnh báo, đưa tin về thủ đoạn lừa đảo mới này ở TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khi trò lừa đảo thất đức này xuất hiện ở Hà Nội, mặc dù có nhiều người, nhờ nắm được thông tin cảnh báo, đã nhận ra ngay rằng đối tượng bên kia đầu dây đang lừa đảo, nhưng vẫn có những phụ huynh sa bẫy. Một người mất 200 triệu đồng, một người mất 40 triệu đồng.
Các đối tượng đã vẽ ra sẵn một kịch bản hoàn hảo để nhử các bậc phụ huynh đang rối trí vì lo cho con. Giọng nói gấp gáp, tiếng còi cấp cứu, thậm chí còn có “bác sĩ” để phụ huynh nói chuyện trực tiếp. Có những người đủ sáng suốt để gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm, nhà trường để hỏi tình hình, nhưng lại hoảng loạn khi không thể liên lạc được và cuối cùng sập bẫy.
Sau khi trò lừa đảo này xuất hiện, các trường đều yêu cầu nhân viên trực đường dây nóng, giáo viên chủ nhiệm sẵn sàng nghe điện thoại của phụ huynh mọi lúc để xác minh thông tin khi cần. Thế nhưng, những kẻ lừa đảo tinh vi này đã lường trước, dùng phần mềm gọi điện thoại tự động trên máy tính để gọi liên tục vào số máy mà trường cung cấp cho phụ huynh. Kết quả là khi phụ huynh cần xác minh thì máy bận liên tục.
Từ ngày 14/3, phụ huynh Đà Nẵng bắt đầu bị “lùa”, nhưng may mắn là tới nay chưa ai trở thành nạn nhân.
Cùng với chiêu lừa đảo mới theo kịch bản “con chấn thương sọ não”, còn có mánh khóe lừa đảo mạo danh cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) bùng phát trở lại ở 52/63 địa phương. Thủ đoạn là gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, người dân…, nhất là các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động, giới thiệu mình là cán bộ cảnh sát PCCC để yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị PCCC giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và yêu cầu chuyển tiền. Hình thức lừa đảo này đã xuất hiện nhiều năm nay, nhưng một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên đã bị các đối tượng trên lừa đảo.
Trước đó, có vô số hình thức lừa đảo khác. Ví dụ như lời mời chào chốt đơn hàng trực tuyến để nhận tiền hoa hồng lên đến hàng chục phần trăm nếu ứng tiền ra trước. Trò lừa đảo này đánh vào lòng tham của mọi người, khiến nạn nhân phấn khích khi tự nhiên hưởng hoa hồng cao, mất cảnh giác rồi vô thức làm theo bọn chúng.
Hay như lời mời nạn nhân vào các trang nghe nhạc trực tuyến để nhận 10.000 - 50.000 đồng sau mỗi lần nghe và chia sẻ các clip ca nhạc. Khi chiếm được lòng tin của con mồi, chúng dụ dỗ họ lập tài khoản trên các trang đánh bạc trực tuyến nước ngoài với lời hứa sẽ bảo toàn vốn đầu tư và lợi nhuận cao. Cho đến khi nạn nhân chuyển nhiều tiền vào tài khoản thì chúng cao chạy xa bay.
Cũ hơn là các chiêu trò giả danh cán bộ của các cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, cảnh sát giao thông… bịa đặt người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... Hoặc kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... nhằm dụ nạn nhân chuyển tiền.
Có thể thấy rõ rằng trong xã hội hiện đại, nơi mà hầu như ai cũng có điện thoại thông minh kết nối internet, tài khoản ngân hàng điện tử, thì các thủ đoạn lừa đảo liên quan xuất hiện ngày càng nhiều, chỉ cần đôi chút chủ quan và mất cảnh giác là sập bẫy, “sểnh” ra là bị lừa.
Đã là kẻ lừa đảo thì đều xấu xa và thủ đoạn nào cũng đáng bị lên án, nhưng thủ đoạn đánh vào tính mạng con trẻ như kiểu “con đang cấp cứu” thì quả thật thất đức nhất trong các loại thất đức.
Nhiều người thắc mắc tại sao đã có vô số lời cảnh báo mà vẫn có phụ huynh “ngốc” để bị lừa. Nhưng trong những tình huống bất thường như vậy, đặc biệt lại liên quan con cái, thì dù có biết trước, không ai có thể đảm bảo mình không mảy may lo sợ khi có người nói “con đang cấp cứu”. Cái tinh vi và bất chấp thủ đoạn của những kẻ nghĩ ra chiêu lừa đảo này là nhằm vào tình yêu, tình thương không giới hạn của cha mẹ dành cho con cái. Do đó, những người chưa nhận được cuộc gọi kiểu như trên, những người tự nhận là mình sáng suốt, tỉnh táo, nắm rõ các thông tin, hãy đừng vội chê trách những bậc phụ huynh là nạn nhân của trò lừa đảo mới. Thay vào đó, hãy lan truyền thông tin để mọi người tăng cường cảnh giác, biết cách xử trí khi nhận được cuộc gọi bất nhân tương tự.
Nguồn: https://baotintuc.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo