Những kịch bản có thể xảy ra với khủng hoảng ở Ukraine
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng – không chỉ cho Kiev mà còn cho cả Điện Kremlin.
Trong khi quân đội Nga tiến về phía Kiev, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh mẽ mà có thể sẽ khiến nền kinh tế xứ sở bạch dương tê liệt và đẩy lạm phát leo thang.
Báo The Atlantic dẫn lời Paul Poast, Giáo sư về chính sách đối ngoại và chiến tranh tại Đại học Chicago (Mỹ), chỉ ra những viễn cảnh cho khủng hoảng ở Ukraine. Đó là: một bãi lầy thảm họa và Nga sẽ rút đi; sự thay đổi chế độ ở Kiev; một cuộc chiếm đóng hoàn toàn Ukraine; hỗn loạn giống như Thế chiến III...
Giáo sư Poast cũng thảo luận về các yếu tố sẽ định hình các cuộc khủng hoảng, phản ứng của Mỹ với Tổng thống Vladimir Putin và những diễn biến quan trọng có thể xảy ra trong tuần tới.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AP |
Ở viễn cảnh thứ nhất, chiến dịch quân sự của Nga nhanh chóng trở thành một vũng lầy. Nga chứng kiến làn sóng phản đối chiến tranh, kể cả từ những nhân vật nổi tiếng. Thị trường chứng khoán lao dốc. Đồng Rúp giảm giá và nỗi đau sẽ rất nhức nhối khi cấm vận bắt đầu thấm sâu vào các doanh nghiệp và giới tài phiệt Nga.
Phía người Ukraine sẽ ra sức bảo vệ đất nước. Họ có thể có nhiều động lực chiến đấu hơn so với lính Nga. Tất cả những điều đó sẽ cản bước Nga, có thể khiến Tổng thống Putin phải đánh giá lại chiến dịch và rút lui.
Viễn cảnh thứ 2 là sự thay đổi chế độ ở Kiev. Tổng thống Volodymyr Zelensky bị lật đổ hoặc sống lưu vong, và một chính phủ thân Nga sẽ ra đời.
Viễn cảnh thứ 3 được gọi là "cái chết của nhà nước". Giáo sư Poast giải thích, cụm từ này có nghĩa là một nhà nước không còn tồn tại vì nó đã bị thôn tính hoặc chinh phục, và không còn độc lập. Điều này có nghĩa là, mục tiêu của Nga không chỉ là thành lập một chính phủ mới như ở kịch bản số 1, mà còn tiếp quản toàn bộ Ukraine và biến nước này thành một phần của mình.
Cuối cùng là, theo ông Poast, từ Ukraine, Nga có thể hành động với các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). NATO là liên minh của nhiều quốc gia Tây Âu, Đông Âu, và Mỹ, và bao gồm cả các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania.
Nếu xảy ra viễn cảnh này, NATO sẽ kích hoạt Điều khoản 5, quy định bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một thành viên của khối đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Khi đó, các quốc gia NATO khác sẽ đứng ra bảo vệ nước bị tấn công, và dẫn tới một cuộc chiến giữa Nga và NATO, cụ thể là giữa Nga và Mỹ.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/khung-hoang-ukraine-nhung-kich-ban-co-the-xay-ra-820004.html
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin