Những mảnh đời xa quê, đón Tết nơi đất khách
Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống người lao động vốn đã khó khăn, chật vật lại càng khó khăn; cuộc sống bị đảo lộn, cuối năm mong được sum vầy đón Tết cùng gia đình, thế nhưng nhiều người bị “kẹt” lại nơi đất khách.
Đó là hoàn cảnh chung của nhiều lao động hiện đang làm việc tại tỉnh Bình Dương – một trong những tỉnh có số lượng công nhân tập trung đông nhất cả nước.
Tết nơi đất khách
Những ngày cận Tết, chị Nguyễn Thị Vóc (SN 1994, quê tỉnh Nam Định), ở trọ tại khu dân cư Thuận Giao (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang “tay bồng tay bế” con nhỏ 3 tháng tuổi trước một dãy trọ công nhân, kế đó người con hơn 2 tuổi của vợ chồng chị Vóc đang chơi đùa. Năm nay vợ chồng chị đón Tết ở đất khách.
Năm thứ 6 gia đình chị Vóc phải đón Tết ở phòng trọ - Ảnh: X.A |
Chị Vóc kể, cách đây 6 năm chị vào Bình Dương xin làm công nhân cho một công ty, sau đó chị kết hôn với anh Đinh Văn Hiền (SN 1986, cùng quê Nam Định). Do cả hai vợ chồng đều làm công nhân, thu nhập thấp nên từ khi vào Nam mưu sinh, vợ chồng chị chưa lần nào được về quê đón Tết cùng người thân. Đến khi có thêm 2 con, cuộc sống gia đình lại càng thêm khó khăn do phải chi tiêu nhiều khoản hơn, chị xin nghỉ việc để ở nhà lo cho các con, cũng từ đây vợ chồng chị mất dần hi vọng được về quê đón Tết.
Anh Hiền - chồng chị làm công nhân cho một công ty sản xuất nệm ở phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập như trên, gần như tháng nào vợ chồng anh chị cũng rơi vào cảnh thiếu thốn, vay chỗ này đắp chỗ kia để có tiền sinh hoạt hằng ngày, tiền thuê trọ,…nên khi nhận lương cũng không còn đồng nào trong người.
Anh Đình Văn Hiền ăn mì gói thay cơm trưa mỗi ngày - Ảnh: X.A |
Éo le hơn, những ngày dịch bệnh bùng phát, khu vực này ở bị “khóa chặt” gần 2 tháng, vợ chồng phải ăn mì gói thay cơm, hái trái đu đủ trước dãy trọ để làm thức ăn qua ngày. Đồng cảm với hoàn cảnh của gia đình, chủ trọ và người dân xung quanh thỉnh thoảng cũng hỗ trợ cho vợ chồng ít tiền, đưa đồ ăn cho gia đình.
“Cứ cuối năm là ông bà ở quê gọi vào nói về nhà đón Tết, cho ông bà được thấy mặt cháu vì từ khi sinh con tới nay vợ chồng chưa về quê lần nào, những lúc như vậy vợ chồng em thấy rất tủi thân và thương con nữa, nhưng giờ hoàn cảnh như vậy rồi biết làm sao” - Chị Vóc chia sẻ.
Còn chị Bùi Thị Lý (SN 1982, quê tỉnh Hòa Bình), làm công nhân luyện thép cho một công ty tại KCN Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Tết năm nay cũng là một cái Tết ở nơi đất khách bởi gia đình gặp nhiều biến cố.
Vợ chồng chị Lý vào Bình Dương từ năm 2001, đến nay đã hơn 10 năm xa quê nhưng số lần về thăm gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi với tiền lương đi làm công nhân cũng chỉ đủ sinh hoạt hằng ngày, không đủ chi phí để di chuyển cả ngàn cây số về quê đón Tết.
Chị Lý cho biết, tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 8 triệu/tháng. Số tiền này vợ chồng chị vừa phải trang trải các khoản sinh hoạt, vừa gửi về quê cho ông bà để chăm con vì con nhỏ gửi ở quê.
Cuộc sống vốn đã chật vật, khó khăn, mới đây chồng chị Lý bị tai nạn lao động, phải nghỉ việc ở nhà, trong khi đó chị Lý lại bị mắc Covid-19 cũng phải nghỉ gần một tháng. Mất thu nhập, sức khỏe giảm sút khiến hai vợ chồng đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Nhắc đến việc đón Tết ở nhà trọ, chị Lý ngậm ngùi cho biết, Tết thì ai cũng muốn được về nhà sum vầy, gặp gỡ người thân sau những ngày tháng xa cách. Thế nhưng, cuộc sống chật vật được bữa nay lo bữa mai nên cũng đành chấp nhận ở lại nơi “đất khách” cho qua những ngày Tết. Thậm chí nếu dịp Tết công ty cho làm việc, chị sẽ đăng ký đi làm để kiếm thêm tiền lo cho gia đình.
Mặc dù quê gần hơn nhưng anh Trần Tiền (SN 1998, quê An Giang), làm việc tại KCN VSIP (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) năm nay sẽ đón Tết ở Bình Dương, tranh thủ thời gian xin việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập.
Anh Tiền cho hay, đây là năm đầu tiên anh ở lại Bình Dương đón Tết vì tiền lương và thưởng năm nay thấp hơn nhiều so với các năm trước. Theo tính toán của anh, với số tiền ít ỏi nhận được đợt này sẽ không đủ để về quê đón Tết cùng gia đình.
Hỗ trợ công nhân đón Tết xa quê
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, dự kiến Tết Nhâm Dần 2022 năm nay toàn tỉnh có khoảng 500 ngàn người lao động ngoại tỉnh chọn ở lại đón Tết.
Qua khảo sát, hầu hết công nhân chọn ở lại vì e ngại dịch bệnh còn phức tạp, số khác bị giảm hoặc mất thu nhập do ngừng việc kéo dài. Trong số khoảng 500 ngàn người lao động ở lại Bình Dương đón Tết, có 24 ngàn người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng quà cho công nhân ở lại đón Tết - T.Đ |
Để hỗ trợ người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã kiến nghị UBND tỉnh chi khoảng 12 tỷ đồng để hỗ trợ, dự kiến mỗi lao động ngoại tỉnh ở lại Bình Dương sẽ được tặng 500 ngàn đồng. Ngoài ra, Liên đoàn cũng sẽ chi hơn 190 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ gần 640 ngàn lao động, mỗi người nhận 300 ngàn đồng.
Ngoài ra, do không tổ chức xe đưa đón công nhân về Tết như các năm trước (chi phí tổ chức khoảng 2.000 tỷ đồng) nên năm nay số tiền này sẽ dành để giúp đỡ lao động khó khăn.
Về phía doanh nghiệp, bình quân mức thưởng Tết của các doanh nghiệp tại Bình Dương năm nay bằng từ 1 - 1,2 tháng lương (trung bình 7,79 triệu đồng). Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số doanh nghiệp lớn ngoài việc trả lương và thưởng theo kế hoạch còn cho người lao động ứng trước lương để chi tiêu dịp Tết.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhung-manh-doi-xa-que-don-tet-noi-dat-khach-810881.html
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
- Thêm sức sống mới cho di sản văn hóa phi vật thể
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư