Những người “dẫn đường” đánh B-52
Đại tá Tạ Quốc Hưng đã 84 tuổi, từng đảm đương nhiều chức vụ khi còn công tác. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là sĩ quan dẫn đường cho các phi công tiêm kích Trung đoàn Không quân 921. Ông có một kho chuyện chiến đấu bảo vệ bầu trời, trong đó có câu chuyện dẫn phi công đánh B-52 khiến tôi mê mẩn.
Đại tá Tạ Quốc Hưng.
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp khóa học dẫn đường ở nước ngoài, Tạ Quốc Hưng được điều về Trung đoàn Không quân 921. Ông chính là một trong những người dẫn đường để phi công MiG-21 Vũ Ngọc Đỉnh bay số 1 và Nguyễn Đăng Kính bay số 2 bắn rơi máy bay tác chiến điện tử EB-66 của địch ở biên giới Việt - Lào.
Hồi đó, EB-66 được mệnh danh là “trung tâm điện tử di động” bởi nó mang theo 12 máy gây nhiễu các loại, tạo nhiễu bao trùm lên dải tần 40-3.500MHz, chế áp nhiều đài radar cùng lúc. Mỗi đợt oanh tạc, không quân Mỹ thường sử dụng tốp hai chiếc, tạo ra màn nhiễu dày đặc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chiến đấu của ta. Tiêu diệt được loại máy bay này thì sẽ phá được tận gốc lớp “vỏ giáp điện tử” lợi hại của không quân Mỹ.
Cuối năm 1967, Tạ Quốc Hưng cùng đoàn sĩ quan tham mưu không quân nhận nhiệm vụ đặc biệt: Bí mật hành quân bằng ô tô vào tuyến lửa ở Xuân Hòa, Lệ Thủy, Quảng Bình để nghiên cứu quy luật hoạt động, khả năng gây nhiễu radar của “siêu pháo đài bay” B-52.
Đại tá Tạ Quốc Hưng kể: “Lúc đó, chúng tôi chẳng có tài liệu gì về B-52 ngoài những tính năng cơ bản mà đối phương công bố với thế giới. Khi ra chiến trường trinh sát, các cán bộ trong đoàn ngụy trang giống tốp thợ mộc và ở trong một nhà kho, tách biệt với cư dân địa phương. Tối đến họ lên đài quan sát trên điểm cao mà Trung đoàn Tên lửa 238 đã thiết lập từ trước”.
Tại đây, Tạ Quốc Hưng và đồng đội đã tìm ra được quy luật đường bay, thủ đoạn gây nhiễu, thủ đoạn đánh phá của B-52. Theo đó, máy bay địch thường xuất phát từ Thái Lan vào đêm tối rồi bay vòng qua Lào, sang khu vực tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và đường Trường Sơn để ném bom rải thảm. Đội hình B-52 có 3 chiếc, bố trí theo hình chữ A lệch. Chúng bay với khoảng cách không đều nhau và cách mặt đất từ 8.000m đến 10.000m. Thời điểm đó, B-52 gây nhiễu rất nhẹ, do đó radar của ta vẫn bắt được. Khi B-52 đến đánh phá thì có máy bay chiến thuật vây xung quanh bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Năm 1970, Tạ Quốc Hưng dẫn theo các phi công lên đài quan sát ở điểm cao 940, nơi nhìn xuống đèo Mụ Giạ, một trọng điểm địch đánh phá ác liệt để trinh sát đường bay B-52. Lúc này, địch dùng B-52 ném bom rải thảm các trọng điểm cả vào ban ngày. Một ngày, sau thời gian kiên trì chờ đợi thì nhóm trinh sát nghe tiếng động cơ gầm rú từ xa. Ít phút sau, họ nhìn thấy 3 “tòa nhà biết bay” lừng lững trên bầu trời. Tạ Quốc Hưng hỏi Lê Hải, phi công lái MiG-17, trong khi mắt không rời tốp B-52:
- Hải có với tới không?
- Nó ăn hết gói kẹo của em chưa chắc đã rơi (MiG-17 chỉ trang bị pháo).
Tạ Quốc Hưng lại quay sang hỏi Vũ Ngọc Đỉnh, phi công lái MiG-21:
- Thế nào Đỉnh?
- Thằng này to thế thì phải uống cả hai chai bia mới say (ý là phải bắn hai quả tên lửa mới cháy).
Sau những lần trinh sát như thế, sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng đã phân loại nhiễu của B-52 thành 3 cấp độ khác nhau, tương ứng với cự ly đến điểm chuẩn để dẫn đường cho phi công khá chính xác. Đến nay, ông vẫn ghi nhớ rất rõ những cấp độ nhiễu ấy.
Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, đêm 18-12-1972. Ảnh: TTXVN
Tối 18-12-1972, trận mở màn chiến dịch đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và nhiều loại máy bay khác vào miền Bắc, Tạ Quốc Hưng trực ở sở chỉ huy gần Nghi Lộc (Nghệ An). Trên đối không, sĩ quan dẫn đường Hoàng Kế Thiện phát hiện tín hiệu radar ở Đô Lương, thông báo với Tạ Quốc Hưng: “B-52 đang đến”. Chưa dứt câu thì 3 loạt bom B-52 đã nổ rung chuyển căn hầm. Hoàng Kế Thiện lại hỏi:
- Hưng, mày còn sống không?
- Sống nhăn răng.
- Nhiễu thế nào?
- Tạ Quốc Hưng hỏi lại.
- Nhiễu xuyên tâm rất nặng, càng gần càng nặng. Khi B-52 bay qua hoặc lượn vòng thì nhiễu sẽ giảm. Lúc ấy, nhiễu cạnh và nhiễu sau rất ít.
Ngay ngày hôm sau, Tạ Quốc Hưng được điều về Sở chỉ huy quân chủng để làm nhiệm vụ dẫn đường. Tuy nhiên, đường ra đã bị địch đánh phá ác liệt nên đến tận mấy hôm sau ông mới có mặt tại Sở chỉ huy.
Cuối câu chuyện, Đại tá Tạ Quốc Hưng chia sẻ với tôi, sau này, kiểm tra lại thì thấy những dự đoán về đường bay của B-52 vào đánh Hà Nội, Hải Phòng của ông và đồng đội đạt độ chính xác khoảng 90%.
- Xử lý 15 cơ sở nhà, đất công có dấu hiệu lãng phí tại quận Hà Đông
- Thưởng Tết Nguyên đán 2025: Nơi trăm triệu đồng, nơi đủ 2 bát phở
- Cử tri quận Ba Đình kiến nghị xử lý các dự án gây lãng phí
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới
- Vượt khó nhờ nguồn vốn chính sách
- 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
- Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô: Cần cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi
- Lễ cầu siêu tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân đợt thảm sát bằng bom B52 năm 1972
- Doanh nhân nặng lòng với quê hương