Những người khiếm thị vươn lên làm chủ cuộc sống
Nhiều người khiếm thị ở Thủ đô đang nỗ lực vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập xã hội bằng con đường học tập, rèn nghề, tham gia lao động xã hội. Một trong những địa chỉ được người khiếm thị tin tưởng lựa chọn học nghề để lập thân, lập nghiệp là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội.
Nhiều năm qua, cơ sở chăm sóc sức khỏe của người khiếm thị mang tên Ánh Dương, tại số nhà 18, ngõ 20 phố Long Biên 2, phường Ngọc Lâm (quận Long biên) được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng dịch vụ. Trung bình mỗi tháng, cơ sở này có doanh thu hàng chục triệu đồng, tạo việc làm cho lao động là nguời khiếm thị với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù có mức thu nhập trong mơ so với nhiều lao động khuyết tật, nhưng chủ cơ sở Lương Thị Hải Yến, cũng là người khiếm thị, vẫn mong muốn có thu nhập tốt hơn. Năm 2019, chị Hải Yến bắt đầu làm thêm công việc bán hàng trực tuyến. Vốn ham học hỏi, chị Hải Yến tham gia hai khóa đào tạo kỹ năng bán hàng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù thành phố Hà Nội) tổ chức. Từ đây, công việc bán hàng của chị Yến thuận lợi hơn với mức thu nhập tăng thêm khoảng 6-8 triệu đồng/tháng.
Cùng học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sử dụng kiến thức có được để tạo việc làm, anh Nguyễn Đăng Đức trở thành chủ cơ sở chăm sóc sức khỏe Tâm Đức tại địa chỉ 205 phố Tô Hiệu (quận Hà Đông). Hiện cơ sở này có lượng khách hàng tương đối ổn định, mang đến cơ hội việc làm, thu nhập đều đặn cho anh Nguyễn Đăng Đức cùng hơn 10 người đồng cảnh. Cũng nhờ có kỹ năng nghề cao và tinh thần vượt khó vươn lên mạnh mẽ, anh Nguyễn Đăng Đức được mời làm giảng viên thực hành bộ môn tẩm quất của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài những trường hợp nêu trên, hàng nghìn lượt người khiếm thị đã được trang bị kỹ năng nghề nghiệp thông qua các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thành chương trình đào tạo, hơn 80% học viên có việc làm, thu nhập đều đặn. Điều này giúp họ tự tin làm chủ cuộc sống, hòa nhập xã hội…
Trao đổi về công tác đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Trung Thái cho hay, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, trung tâm đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng hòa nhập cho học viên. Nội dung các bài giảng khéo léo lồng ghép những tấm gương người khuyết tật thành công trên nhiều lĩnh vực. Riêng năm 2023 vừa qua, trung tâm mở được 17 lớp đào tạo nghề, thu hút gần 400 học viên theo học. Các nghề được đào tạo phổ biến là tin học văn phòng, vật lý trị liệu, bán hàng trực tuyến, khởi sự doanh nghiệp...
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là kinh phí đào tạo nghề hiện nay phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa, trong khi việc tìm kiếm các nguồn lực xã hội không mấy dễ dàng. Đầu ra của một số ngành, nghề đào tạo chưa kết nối được với thị trường việc làm...
Chủ động vượt khó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng lao động đặc thù. Theo hướng này, trung tâm phối hợp với một số quỹ từ thiện và tổ chức hoạt động vì cộng đồng trong nước, quốc tế mở một số lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho học viên.
Đáng chú ý, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp còn đưa cán bộ, giáo viên xuống cơ sở hỗ trợ các đơn vị mở lớp đào tạo nghề tại địa phương, giúp học viên không phải đi xa, tiết kiệm chi phí. Giải pháp khác là lực lượng cán bộ Hội Người mù ở cơ sở được trung tâm tổ chức đào tạo nghề nâng cao, sau đó về dạy lại cho hội viên.
Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Trì Lê Tự Lập cho biết: “Tôi được cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo nghề tin học văn phòng nâng cao vào ngày 19-1-2024. Thời gian tới, tôi sẽ trở thành giáo viên của lớp dạy nghề tin học cơ bản dành cho người khiếm thị tại huyện Thanh Trì”.
Tạo mối liên kết giữa những người làm nghề, tăng cơ hội việc làm cho người lao động vẫn là mục tiêu chính trong hoạt động của trung tâm trong thời gian tới. Tất cả nhằm tiếp thêm động lực, niềm tin cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân