Những nguyên nhân gây đột quỵ sớm ở người trẻ

Thứ ba, ngày 20 tháng 9 năm 2022 | 10:31

Đột quỵ ở người trẻ dẫn tới liệt nửa người, suy giảm sức khỏe thậm chí tử vong là một nỗi đau với nhiều gia đình. Ngoài những bệnh lý về dị dạng mạch máu não, hiện nay có nhiều thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt dẫn người trẻ đến gần đến với đột quỵ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Người trẻ đột quỵ chiếm khoảng 20-25% trong tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện

Chỉ mới hơn 30 tuổi, nhiều người trẻ đã phải nhập viện vì bệnh lý đột quỵ. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một bệnh nhân 33 tuổi bất ngờ tê liệt nửa người sau giấc ngủ đêm được đưa vào cấp cứu.

Tại khoa Đột quỵ não, kết quả phim chụp bệnh nhân có nhồi máu não. Khi được bác sĩ thông báo bị đột quỵ và vào viện đã qua giai đoạn vàng can thiệp, bệnh nhân đã rất “ngỡ ngàng”.

Bệnh nhân cho biết, bản thân là người có sức khỏe tốt, nếp sống lành mạnh. Bệnh nhân đã được làm mọi xét nghiệm, kết quả có rối loạn mỡ máu, huyết áp hơi cao, mạch máu não và tim mạch không có vấn đề bất thường.

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Cường, khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, khi khai thác tiền sử, bệnh nhân này thường xuyên tiếp khách nên trung bình uống 500-750ml/rượu/ngày và hút 2 bao thuốc lá. Thói quen xấu này khiến bệnh nhân bị tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ.

"Do đã quá giờ vàng can thiệp, nên chúng tôi chỉ có thể điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Rất may mắn, sau một thời gian dài tập luyện bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn", bác sĩ Cường cho hay.

Khoa cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp rất trẻ bị đột quỵ chảy máu não. Gần đây nhất, khoa tiếp nhận bệnh nhân 23 tuổi, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng có liệt và được chẩn đoán đột quỵ thể chảy máu não.

Sau khi chụp chiếu, xét nghiệm tìm nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dị dạng mạch máu não. Đây chính là nguyên nhân gây ra đột quỵ.

Bác sĩ Cường cho hay, trường hợp trẻ tuổi nhất, bác sĩ tiếp nhận can thiệp và điều trị đột quỵ là 12 tuổi. Bệnh nhân này cũng bị đột quỵ xuất huyết não do có dị dạng mạch máu não.

Với bệnh lý đột quỵ thể nhồi máu não do nguyên nhân xơ vỡ, nếu như trước đây chủ yếu gặp ở người già, người có bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp... thì nay khoa cũng tiếp nhận cả người trẻ 31 tuổi.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Văn Cường, trước đây, đột quỵ thường gắn tới là bệnh lý ở người già là tương đối phổ thông. Tuy nhiên, quan niệm đó không còn chính xác vì số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng.

 

“Số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tới cấp cứu tại khoa chiếm khoảng 20-25%/ tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện. Đa phần, các bệnh nhân đột quỵ này đều còn rất trẻ dưới 50 tuổi đã phải chịu những hệ quả nặng nề của căn bệnh đột quỵ, thậm chí đã có trường hợp đã tử vong.

Hiện nay, khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, có khoảng 10-15 trường hợp đột quỵ dưới 50 tuổi”, bác sĩ Cường cho biết.

Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ

Vì sao đột quỵ ở người trẻ ngày càng nhiều, các bác sĩ cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân thuộc về bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể người bệnh, nhưng cũng có nguyên nhân từ thói quen nếp sống sinh hoạt của người trẻ hiện nay.

Về bệnh lý tiềm ẩn, theo bác sĩ Cường, những người dị dạng mạch máu não có nguy cơ đột quỵ cao khi còn trẻ tuổi. Những người này không có triệu chứng nên không biết để kiểm soát nguy cơ. Bệnh nhân bị đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết.

Ngoài ra, một số người bị mắc bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ cơn, bệnh lý van tim… sẽ tạo ra những huyết khối trong tim và theo máu đưa tới não và xuất huyết não (đột quỵ não).

Đột quỵ có thể gặp một số bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch xoang. Những bệnh nhân này thường có rối loạn chức năng đông-cầm máu do liên quan đến các bệnh lý ác tính, viêm nhiễm mạn tính, phụ nữ mang thai, sau nạo phá thai hay sử dụng các thuốc tránh thai kéo dài…

Trên thực tế, tại khoa Đột quỵ đã tiếp nhận trường hợp sản phụ mang thai 3 tháng đã bị đột quỵ. Rất may mắn, bệnh nhân tới viện sớm nên đã được can thiệp và hồi phục rất tốt.

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, một nguyên nhân quan trọng thuộc về lối sống người trẻ cũng rất cần lưu ý. Theo bác sĩ Cường, nhóm nguyên nhân đột quỵ do thói quen xấu đang gia tăng ở người trẻ và cần đặc biệt phải báo động. Một số thói quen xấu như: hút thuốc lá, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, lạm dụng rượu bia…

Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: tăng huyết áp, rối chuyển hóa mỡ máu, béo phì… đến gần hơn với đột quỵ.