Những quy định mới về cho vay với học sinh, sinh viên có hiệu lực từ tháng 5/2022
Ngoài hạn mức được tăng mạnh từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng thì đối tượng vay, việc trả nợ gốc và lãi cùng chính sách lãi phạt cũng được quy định lại.
Nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng
Ngày 27/09/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg (Quyết định 157) về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Mức vốn cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Đến nay, mức cho vay này đã qua 7 lần điều chỉnh kể từ lúc ban hành năm 2007.
Vừa qua, ngày 23/03/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg (Quyết định 05) sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg (sửa đổi, bổ sung lần thứ 8). Theo đó, mức vốn cho vay tối đa được điều chỉnh từ 2.500.000 đồng/tháng/HSSV (Quyết định số 1656/QĐ-TTg) lên 4.000.000 đồng/tháng/HSSV (Khoản 2 Điều 1 Quyết định 05), tăng thêm 1.500.000 đồng/tháng/HSSV.
So với mức vốn cho vay năm 2007 là 800.000 đồng/tháng/HSSV, sau 14 năm mức vốn cho vay đã tăng được 3.200.000 đồng/tháng/HSSV. Từ năm 2019 đến nay, mức vốn cho vay được điều chỉnh tăng luôn lớn hơn 60%. Năm 2019 điều chỉnh tăng khoảng 66,6% so với 2017; năm 2022 điều chỉnh tăng 60% so với 2019.
Giải thích cho việc tăng mức vay vốn lên 4.000.000 đồng, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức cho vay 2.500.000 đồng/tháng/HSSV (25.000.000 đồng/năm/HSSV) chỉ mới đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV. Mức chi phí học tập bình quân của một HSSV khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (đơn vị triển khai chính sách cho vay HSSV, VBSP), tại thời điểm 2019 mức cho vay 2.500.000 đồng/tháng/HSSV có thể đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mức cho vay trên chỉ đáp ứng khoảng 37% tổng chi phí học tập của HSSV, cùng với việc chi phí đang gia tăng, mức cho vay như hiện tại khó có thể hỗ trợ tốt cho các HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Quyết định 05 cũng sửa đổi một số nội dung khác như:
Đối tượng được vay vốn (sửa đổi khoản 2 Điều 2), theo đó đối tượng được vay vốn bao gồm: (a) Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; (b) Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: (i) Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (ii) Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (iii) Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Như vậy, Quy định bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật (Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH và Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg).
Trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên (sửa đổi khoản 2 Điều 9): thời điểm đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi lần đầu tiên là kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định. Quy định mới không xét đến tình trạng việc làm của HSSV, cứ sau 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học, người vay vốn (đại diện Hộ gia đình của HSSV) có nghĩa vụ phải trả nợ gốc, lãi lần đầu tiên cho VBSP. Quy định mới hỗ trợ cho cán bộ của VBSP không cần phải thường xuyên theo dõi, giám sát tình trạng việc làm của HSSV trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc khóa học.
Miễn lãi phạt trả nợ trước hạn (sửa đổi khoản 2 Điều 9): theo quy định mới đối tượng vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không phải chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.
Theo số liệu cập nhật trên Báo cáo thường niên 2020, tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ cho vay HSSV của VBSP đạt 10.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,6% so với tổng dư nợ, VBSP đã cho vay 44.585 HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ giao VBSP triển khai các chính sách cho vay ưu đãi, trong đó tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng đối với HSSV theo Quyết định 157.
Đại diện VBSP ở tỉnh cho biết, sau khi Quyết định 05 được ban hành, các chi nhánh của VBSP cũng ban hành Thông báo kịp thời điều chỉnh mức cho vay và đối tượng cho vay để phù hợp với Quyết định của Chính phủ. Theo đó, mức cho vay tối đa áp dụng từ ngày 19/5/2022 đối các khoản giải ngân mới là 4.000.000 đồng/tháng/HSSV (40.000.000 đồng/năm/HSSV). Mức lãi suất áp dụng là 6,6%/năm (0,55%/tháng).
Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/05/2022.
(Theo Nhịp sống kinh tế)
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine