Những rủi ro khi ăn côn trùng lạ
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhiều lần cảnh báo về tình trạng ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn các loại côn trùng lạ.
Thế nhưng, thời gian qua, một số bệnh viện vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu, đuông dừa, bọ xít…
Các chuyên gia cảnh báo, với những loại côn trùng lạ, người dân cần thận trọng, tuyệt đối không nghe những kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến làm thức ăn.
Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Thùy Giang
Suy thận cấp, khó thở… do sâu ban miêu, đuông dừa
Mới đây, tại Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.T (42 tuổi, ở Yên Bái) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, yếu cơ tứ chi, tiêu cơ vân, suy thận cấp. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn sâu ban miêu.
Trước đó, 3 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn sâu ban miêu trong bữa cơm tối. Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ, cả 3 người đều có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt… Sau đó, họ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán bị ngộ độc.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo quan niệm của nhiều người, sâu ban miêu thường lành tính vì có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp… Thế nhưng, thực chất đây là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cantharidin. Chất độc này đi đến cơ quan nào trong cơ thể sẽ làm tổn thương cơ quan đó. Bệnh nhân bị ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp… và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Khi ăn phải chất độc này, đầu tiên sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, làm hoại tử dạ dày, ruột… Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ có nguy cơ biến chứng rất nặng.
Không chỉ ngộ độc sâu ban miêu, mới đây, một nữ bệnh nhân (33 tuổi, ở Vĩnh Long) đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn đuông dừa. Cụ thể, sau khi ăn hai con đuông dừa khoảng 3 giờ, nữ bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, da nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người, kèm theo cảm giác mệt, khó thở. Gia đình đã lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cấp cứu. Sau quá trình thăm khám và khai thác bệnh lý, bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị ứng dọa sốc do ăn đuông dừa và nhanh chóng cho bệnh nhân truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, corticoid.
Cảnh báo về những nguy cơ do những món ăn được chế biến từ côn trùng, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các vụ ngộ độc do ăn côn trùng được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố thời gian qua cho thấy, nguyên nhân thường do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố hoặc côn trùng bị nhiễm nấm độc, do côn trùng chứa nhựa cây độc… Thậm chí, ngộ độc có thể do độc tố của côn trùng không bị phá hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến.
Các dấu hiệu thường gặp ở người bị ngộ độc sau khi ăn công trùng, đó là: Nôn, run tay chân, co giật, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa nổi ban toàn thân... và có thể tử vong. Các triệu chứng xuất hiện nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố có trong côn trùng, tùy theo số lượng côn trùng đã ăn vào và cơ địa của mỗi người.
Không phải côn trùng nào cũng sử dụng làm thức ăn
Ngoài những món quen thuộc được chế biến từ nhộng, châu chấu, cào cào..., theo Cục An toàn thực phẩm, người dân vùng núi còn bắt và chế biến các loại côn trùng lạ như: Bọ xít, sâu, bọ cạp, ve sầu… và coi là đặc sản. Thậm chí, công nghệ thông tin cũng bùng nổ với rất nhiều các video về ẩm thực tự nhiên nhằm mục đích câu view, câu like mà chưa được kiểm chứng. Việc không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… thì nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.
Hơn nữa, nhiều người còn cho rằng, côn trùng vốn là thực phẩm tự nhiên nên bảo đảm sạch và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Thế nhưng, các chuyên gia cũng lưu ý, khi thu bắt ngoài tự nhiên, nếu không cẩn thận, người dân dễ nhầm lẫn côn trùng ăn được với loại không ăn được, có chứa độc tố.
Hiện chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt, những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như: Mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tê môi, miệng, khó thở… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cũng lưu ý, khi chế biến món ăn từ côn trùng cần phải có quy trình xử lý bảo đảm. Cụ thể, cần ngâm, rửa sạch côn trùng bằng nước muối ấm hoặc nước vôi trong để khử hết nấm độc, giun... bám trên côn trùng và để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột; đồng thời loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi của côn trùng. Ngoài ra, tuyệt đối không ăn sống, ăn tái côn trùng. Với những loài côn trùng quen thuộc được sử dụng làm thức ăn, khi nấu phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn. Để đề phòng ngộ độc, tốt nhất không nên ăn côn trùng lạ hoặc chưa từng ăn. Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi thưởng thức các món ăn này.
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt