Những 'siêu' dự án hạ tầng của TP.HCM chưa thể về đích
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng, metro số 1, đường vành đai 2, cầu Thủ Thiêm 2… là những 'siêu' dự án hạ tầng chưa thể cán đích sau nhiều năm khởi công.
'Siêu dự án' ngăn triều gần 10.000 tỷ tiếp tục lỡ hẹn
Dự án này có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018 tuy nhiên phải liên tục giãn tiến độ hoàn thành do vướng mắc liên quan đến mặt bằng, tái cấp vốn.
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ vẫn chưa thể về đích trong năm 2021 |
Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 40, giao TP.HCM chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành Dự án ngăn triều đúng theo quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Theo tiến độ trước đây, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, với nhiều khúc mắc như hiện nay (trong đó có việc giải ngân và ký kết phụ lục hợp đồng), dự án chưa xác định ngày về đích.
Công trường thi công nhà ga trung tâm tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên |
15 năm 'giấc mơ metro số 1', giờ vẫn tiếp tục chờ
Dự án metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) hình thành từ năm 2007 với tổng kinh phí ban đầu là 17.387 tỷ đồng; dự kiến thời gian đưa vào khai thác năm 2018.
Dự án liên tục giãn tiến độ do điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao gần gấp 3 lần so với ban đầu khoảng 47.325 tỷ đồng. Ngoài ra, còn liên quan đến vấn đề vướng giải phóng mặt bằng, nguồn kinh phí giải ngân...
Các đoàn tàu metro Bến Thành - Suối Tiên được nhập về hồi đầu tháng 12/2021 |
Dự án lẽ ra về đích trong quý 4/2021 thế nhưng, mới đây, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP (Maur, chủ đầu tư) tiếp tục gia hạn thêm 2 năm nữa.
Maur cho biết, có ba nguyên nhân khiến tuyến metro số 1 bị chậm trễ. Bao gồm dịch Covid-19 tái bùng phát lần thứ tư tại TP.HCM và các nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn dự án. Theo kế hoạch lũy kế tổng tiến độ toàn dự án đến cuối năm 2021 là 91%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay lũy kế tiến độ mới đạt 88%.
Thứ hai, do các thủ tục để ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung. Phụ lục 19 gồm các nội dung quan trọng như tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin gói thầu CP4...
Thứ ba là các vướng mắc còn tồn đọng khi triển khai dự án. Cụ thể, dự án metro số 1 là một trong những dự án đường sắt đô thị triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.
Nhiều nội dung cần thực hiện như xử lý tồn đọng từ đầu triển khai dự án đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Do đó, cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị xử lý trong thời gian tiếp theo làm cơ sở hoàn thành dự án đưa vào vận hành, khai thác.
Đoạn 2,8km đường vành đai 2 TP.HCM đang thi công thì phải dừng kéo dài 2 năm nay |
Đường Vành đai 2 TP.HCM
Vành đai 2 TP.HCM dài hơn 64 km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường vòng quanh TP.HCM.
Đây là trục đường có vai trò đặc biệt quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Khi được khép kín, Vành đai 2 tạo thành trục liên kết các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...
Sau nhiều năm triển khai, đến nay đã hoàn thành 50 km. Hiện nay, còn 14 km thì có gần 3km đang thi công dở dang, 11km chưa triển khai.
Đoạn đang thi công dài gần 3km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa được triển khai theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.
Cuối năm 2017, dự án khởi công và tạm dừng thi công vào đầu năm 2020 khi đạt gần 44% khối lượng.
Dự án dừng thi công khiến sắt thép hoen rỉ, cỏ dại mọc um tùm |
Nguyên nhân ngưng thi công được nhà đầu tư đưa ra, do giải phóng mặt bằng chậm, đồng thời phải chờ TP.HCM ký phụ lục hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, định giá các lô đất để thanh toán cho chủ đầu tư công trình...
Đến nay, dự án đã được TP Thủ Đức bàn giao gần 74% diện tích đất cần giải tỏa.
Cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay đã hợp long, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/4/2022 |
Cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2, TP.HCM do Công ty CP địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư khởi công xây dựng từ năm 2015 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài là 1,4 km trong đó phần cầu dài 885m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m.
Theo kế hoạch ban đầu, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, dự án sau đó liên tục chậm tiến độ, ngừng thi công mà nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.
UBND TP.HCM sau đó cũng đã chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành công trình dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đến tháng 9/2021. Mới nhất, dự án được gia hạn hoàn thành trước 30/4/2022.
Ngoài dự án cầu này, trên địa bàn TP.HCM cũng còn nhiều dự án cầu khác như cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Tăng Long, Nam Lý... cũng 'dậm chân tại chỗ, chưa thể hẹn ngày hoàn thành sau nhiều năm thi công.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhung-sieu-du-an-ha-tang-cua-tp-hcm-chua-the-ve-dich-nam-2021-805499.html
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi