Những tín hiệu lạc quan tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng

Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 | 8:23

- Nhìn lại toàn cảnh bức tranh tăng trưởng tín dụng năm 2024, trong cuộc trò chuyện với phóng viên TBTCVN, bà Trần Kiều Oanh, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn FiinGroup đánh giá, nhu cầu tín dụng càng về cuối năm càng cải thiện rõ nét sau thời gian đầu trầm lắng, cùng pha với tốc độ phục hồi tích cực của nền kinh tế. Bước sang năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.

Những tín hiệu lạc quan tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng
Đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 11,12% so với cuối năm 2023. Ảnh tư liệu

PV: Ngay từ đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn, thậm chí tăng trưởng âm, thấp nhất trong vòng 4 năm song sớm lội ngược dòng, đến nay, tăng trưởng tín dụng đang tăng tốc về đích và hướng gần tới mục tiêu 15%. Theo bà, tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực về cuối năm nhờ những yếu tố nào?

Những tín hiệu lạc quan tạo sức bật cho tăng trưởng tín dụng

Bà Trần Kiều Oanh: Tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 11,12% so với cuối năm 2023, tiến gần đến mục tiêu 15% đề ra cho cả năm. Dù chưa đánh giá về chất lượng, song mức tăng trưởng tín dụng 11,12% cho thấy sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt so với mức 9,15% cùng kỳ năm 2023 và chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 là khả thi nhờ mùa cao điểm và một số yếu tố hỗ trợ. Trước tiên, liên quan đến yếu tố mùa vụ và tâm lý thị trường cải thiện. Giai đoạn cuối năm và dịp Tết Nguyên đán thường chứng kiến nhu cầu chi tiêu tăng cao, khi người dân tập trung sửa chữa nhà cửa, mua sắm và thanh toán các khoản vay lớn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ở khối doanh nghiệp, các khoản vay ngắn hạn gia tăng đáng kể đáp ứng nhu cầu nhập hàng, dự trữ nguyên liệu và sản xuất phục vụ các đơn hàng cuối năm, đặc biệt trong ngành bán lẻ, thực phẩm và tiêu dùng nhanh. Nắm bắt nhu cầu thị trường, các ngân hàng tích cực triển khai chương trình vay lãi suất ưu đãi, vừa thu hút khách hàng mới, vừa đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn cao điểm.

Duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Theo bà Trần Kiều Oanh, NHNN giữ lãi suất điều hành ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc vay vốn. NHNN hai lần nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng, vào ngày 28/8 và 28/11.

Cùng với đó, kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, GDP cả năm dự kiến vượt 7%, tạo điều kiện để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng mà không gặp áp lực phải điều chỉnh ngay trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, về yếu tố kỹ thuật, các ngân hàng chạy đua giữ room tín dụng nên tập trung đẩy mạnh tín dụng vào cuối năm để sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ. Đây không chỉ là yếu tố giúp đạt mục tiêu năm nay mà còn tạo cơ sở để xin thêm room tín dụng trong năm tới trong bối cảnh kinh tế đang trên đà hồi phục.

Ngoài ra, áp lực giải ngân vào cuối năm thúc tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, không chỉ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ mà còn thu hút dòng vốn đầu tư và tín dụng trong toàn xã hội.

PV: Trong bối cảnh kinh tế bước vào pha phục hồi rõ nét, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cải thiện, bà nhận thấy sự tăng tốc tín dụng diễn ra mạnh mẽ trong những lĩnh vực nào?

Bà Trần Kiều Oanh: Thị trường bất động sản ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực, nhờ tháo gỡ rào cản pháp lý thông qua các sửa đổi trong Luật Đất đai và cải thiện quy trình cấp phép dự án. Điều này giúp nhiều dự án tái khởi động và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Đến ngày 30/9, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 16,6%, gần gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống (8,5%).

Trong khi đó, tín dụng bất động sản tiêu dùng chỉ đạt 4,6% nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các dự án lớn được cấp phép và triển khai trở lại, nguồn cung chất lượng tăng và tâm lý thị trường ổn định hơn. Sự xuất hiện các dự án có pháp lý rõ ràng, giá bán hợp lý và chất lượng đảm bảo thu hút sự quan tâm của khách hàng, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên thị trường.

Cần phải nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất và gia tăng nhu cầu vốn cho khu vực xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và các dự án sản xuất, xuất khẩu tăng nhanh, kéo theo nhu cầu tín dụng lớn cho việc mở rộng kinh doanh và đầu tư.

Sau cơn bão Yagi, hoạt động của ngành công nghiệp bị chậm lại, với Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống dưới 47,3 vào tháng 9/2024, tuy nhiên, chỉ sau một tháng, chỉ số này hồi phục lên mức 51,2. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 578 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng mạnh nhờ phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và châu Á, khiến doanh nghiệp gia tăng nhu cầu vay vốn cho sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu. Chính sách thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc cũng mở ra cơ hội tăng xuất khẩu cho Việt Nam. Cùng với đó, chính sách tiền tệ nới lỏng tại Mỹ, EU và Trung Quốc dự kiến thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn. Sự đồng hành của NHNN và các ngân hàng thương mại qua các gói vay lãi suất thấp tiếp tục giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu.

PV: Tiếp đà tăng trưởng kinh tế cùng những tín hiệu lạc quan tăng trưởng cuối năm sẽ mở ra triển vọng ngành Ngân hàng trong năm 2025 sắp tới ra sao, thưa bà?

Bà Trần Kiều Oanh: Về triển vọng ngành Ngân hàng, tôi cho rằng chất lượng tăng trưởng tín dụng, lãi suất ở mức vừa phải tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, trong những năm qua, tăng trưởng vẫn không đồng đều, phụ thuộc vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, nơi nhiều dự án chưa tạo ra dòng tiền ổn định.

Trong khi đó, tín dụng bán lẻ và phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ là hai lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, vẫn chiếm tỷ trọng thấp do sự thận trọng của ngân hàng trước rủi ro vĩ mô và khó khăn trong đánh giá năng lực tài chính. Do đó, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích tín dụng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng đồng đều hơn.

Ngoài ra, các ngân hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng biên lợi nhuận khiêm tốn, tạo thêm áp lực trong việc cân đối chi phí tài chính và chi phí hoạt động. Điều này cũng đặt ra áp lực lớn hơn về việc tăng vốn để duy trì hoạt động mở rộng kinh doanh và phát triển mạnh mẽ hơn mảng thu nhập ngoài lãi.

PV: Xin cảm ơn bà!

Cuộc đua vốn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2025

Đánh giá về chất lượng tài sản của ngân hàng, bà Trần Kiều Oanh, Khối Dịch vụ Nghiên cứu Thị trường và Tư vấn FiinGroup cho rằng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng từ 1,49% năm 2021 lên 4,55% vào quý III/2024, trong khi tỷ lệ tín dụng có vấn đề (bao gồm nợ tái cơ cấu) đạt gần 7%. Điều đáng lo ngại là mặc dù nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm xuống mức thấp, chỉ còn 83,1% vào quý III/2024 so với mức 143% năm 2021.

Điều này phản ánh rủi ro tiềm ẩn lớn hơn những con số báo cáo va nguy cơ mất thanh khoản ở ngân hàng yếu. Những ngân hàng có nền tảng vốn yếu, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp và dự phòng mỏng bởi một cú sốc nhỏ trong nền kinh tế có thể dẫn đến căng thẳng thanh khoản hoặc sụp đổ cục bộ.

Vì vậy, trong năm 2025, ngành Ngân hàng được dự báo sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ trong việc tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR và đáp ứng nhu cầu tài trợ cho tăng trưởng tín dụng. Cuộc chạy đua này không chỉ giúp ngân hàng đảm bảo khả năng hoạt động bền vững mà còn tạo nền tảng mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực chiến lược.

Song song với áp lực tăng vốn, xu hướng chuyển đổi số tiếp tục là động lực quan trọng, mang lại sự thay đổi linh hoạt trong mô hình kinh doanh, mở rộng mảng thu nhập ngoài lãi, tạo ra nguồn doanh thu mới từ các dịch vụ như thanh toán số, tài chính cá nhân và quản lý tài sản. Nhờ đó, các ngân hàng có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn, tăng hiệu quả hoạt động và củng cố vị thế trên thị trường.