Nỗ lực thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội

Thứ sáu, ngày 5 tháng 8 năm 2022 | 6:14

Công tác giám sát, phản biện xã hội luôn được Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành A quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn huyện”.

Trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A tổ chức giám sát kết quả thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao ở xã Trường Long Tây và xã Nhơn Nghĩa A; giám sát việc thực hiện chế độ thôi việc, nghỉ việc (dôi dư) theo Nghị quyết số 27, Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh đối với xã Tân Hòa.

Thông qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chỉ rõ kết quả đạt được, hạn chế gặp phải và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề đối với đơn vị được giám sát. Về phản biện xã hội, Mặt trận huyện đã xây dựng kế hoạch và tiến hành phản biện đối với Đề án “Thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; có 4 ý kiến tham luận đóng góp vào đề án.

Ông Nguyễn Kim Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đánh giá, thông qua hoạt động giám sát, phản biện, đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ đó, Mặt trận huyện đã kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Đáng ghi nhận là nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Chưa kể trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn phối hợp tổ chức tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn huyện”. Buổi tọa đàm ghi nhận 10 ý kiến tham luận.

Các ý kiến đánh giá công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện phối hợp triển khai thực hiện mang lại kết quả tích cực. Nhất là thông qua những ý kiến góp ý, đề xuất thiết thực giúp các cơ quan nhà nước hoạch định, thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình Nhân dân, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới.

Tuy nhiên, các ý kiến tham luận cũng chỉ rõ hạn chế là số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền.

Ông Trần Hoàng Phượng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho rằng thông qua buổi tọa đàm đã giúp Mặt trận các cấp đúc kết được nhiều bài học bổ ích. Đó là cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm ở địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân, từ đó lên kế hoạch thực hiện giám sát và phản biện xã hội với những nội dung phù hợp tình hình thực tế…

Đối với Mặt trận các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng luôn nỗ lực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Đơn cử năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Long A đã tổ chức giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, đơn vị này còn tổ chức giám sát về công tác hòa giải đối với UBND xã. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tiến hành 1 cuộc phản biện đối với dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của UBND xã.

Ông Đỗ Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Long A, cho biết: “Chúng tôi chọn nội dung giám sát, phản biện là những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được người dân quan tâm. Qua giám sát, phản biện, chúng tôi không chỉ nêu ra những ưu điểm mà còn thẳng thắn chỉ ra các hạn chế còn gặp phải, giúp đơn vị được giám sát nhận ra và sớm khắc phục”.

Có thể nói, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành A đã nỗ lực thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Mỗi cuộc giám sát, phản biện dù có chủ đề, nội dung, đối tượng khác nhau nhưng có chung mục đích và kết quả hướng tới là góp ý giúp chính quyền nhận ra những mặt hạn chế, yếu kém để khắc phục trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỆ