Nỗi đau của nữ giáo viên bị chồng tưới axit trước mặt con gái
Từ người phụ nữ xinh đẹp, chị Huyền bị chồng tạt axit dẫn tới gương mặt biến dạng, sức khỏe mất 64% và phải trải qua 30 cuộc mổ lớn, nhỏ để tái sinh.
Bạo lực gia đình được Liên Hợp Quốc gọi là “đại dịch trong bóng tối”. Theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam công bố năm 2020 có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, giảm 1.214 vụ so với con số 4.454 vụ của năm 2002. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân sâu xa nhất do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay.
Báo VietNamNet đăng tuyến bài: Sự hồi sinh đằng sau “đại dịch trong bóng tối”
Bài 1: Cuộc hôn nhân 4 tháng của cô gái trẻ kết thúc trong đau đớn
"Mọi người có thể nhìn thấy vết sẹo đã liền lại theo năm tháng nhưng cảm giác đau đớn đến tột cùng, bức bối chỉ những người từng bị bỏng mới thấu hiểu. Những nỗi sợ hãi, cơn ác mộng không có hồi kết. Vẻ ngoài dù đã biến dạng, không còn nguyên vẹn như dáng hình bố mẹ cho, nhưng trước mỗi biến cố của cuộc đời, tôi có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống. Mình đã mất dung mạo xưa mãi mãi nhưng tôi lại nhận được nhiều giá trị khác" - lời chia sẻ của một người phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Chồng tạt axit vợ trước mặt con gái
Chị Đặng Thị Huyền (sinh năm 1985, trú tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chị kết hôn với chồng làm nghề lái tàu quê Thái Bình từ năm 2009. Cuộc sống vợ chồng sống khá hạnh phúc nhưng đến khi con gái 8 tuổi, người chồng thay đổi, thường xuyên ghen tuông.
Cuối năm 2017, họ ly hôn và đã được tòa chấp thuận. Tuy nhiên, Tết Mậu Tuất (2018), người chồng quay lại xin lỗi và muốn hàn gắn. Thương con, chị Huyền đồng ý. Tuy nhiên, hai vợ chồng tiếp tục xảy ra mâu thuẫn.
Ngày 24/3/2018, trong một lần cãi vã, chị Huyền muốn dọn quần áo trở về nhà bố mẹ. Người chồng bất ngờ cầm can axit tưới lên cơ thể vợ. Người phụ nữ đau đớn, nóng rát không dám giãy giụa vì sợ bắn vào con đứng cạnh. Chị ngất đi. Lúc ấy, bố chị Huyền cũng có mặt và đã tri hô hàng xóm tới giúp.
Ngay lập tức, chị được chuyển thẳng tới Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) với tổn thương bỏng axit lên tới 29%.
Chị Huyền trong những ngày cấp cứu. Ảnh: Định Nguyễn.
Tại bệnh viện, chị Huyền hôn mê sâu suốt 5 ngày. Các bác sĩ đã thông báo gia đình chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Hơn 1 tháng sau, nữ bệnh nhân mới ra khỏi phòng Hồi sức cấp cứu.
“Khi tỉnh lại, tôi nằm im trên giường, chưa hình dung mình biến dạng như thế nào, các vết sẹo chưa liền lại. Tôi chỉ nhớ cảm giác toàn thân đau đớn, từng vết thương rỉ máu, ngứa ngáy khiến tôi không thể chợp mắt. Ba tháng sau, cơ da bắt đầu co lại, đây là những ngày kinh khủng”, chị Huyền nhớ lại.
Sau khi giữ được mạng sống, người mẹ này bắt đầu tháng ngày phục hồi chức năng từ tập nói, tập ăn. 33 tuổi, chị Huyền bập bẹ từng chữ như đứa trẻ. Mỗi ngày tập luyện đều là nước mắt và máu. Vết thương vỡ ra lại rỉ máu, mọc da mới, cứ như thế hết chu kỳ này tới chu kỳ khác.
Khi chị Huyền ra viện, con gái không nhận ra mẹ. Trong mắt đứa trẻ 8 tuổi, người mẹ xinh đẹp ngày nào giờ có gương mặt chằng chịt sẹo. Ông bà ngoại phải động viên, cô bé mới lại gần và bắt đầu ôm mẹ. Chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ, con cũng bị sốc tâm lý. Nhờ gia đình, thầy cô giáo, bé dần ổn định tinh thần, động viên mẹ cố gắng trở lại xinh đẹp lại như xưa.
Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, chị Huyền sống lạc quan, bỏ qua hận thù. Ảnh: NVCC.
Dù tổn hại sức khỏe, gương mặt bị biến dạng, chị Huyền chưa một ngày từ bỏ. Người phụ nữ trẻ luôn suy nghĩ tích cực vì bố mẹ và con phải cố gắng, quyết không trở thành phế nhân.
Để cuộc sống thứ 2 đầy ý nghĩa
Sau gần 3 năm gắn với bệnh viện, trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật, chị Huyền bắt đầu quay lại với nghề. Hằng ngày, chị soạn giáo án để lên lớp.
Ngày đầu chị tới lớp, học sinh thốt lên: Cô ơi, cô bị làm sao thế?
Chị Huyền nhẹ nhàng đáp: Cô bị bỏng.
Đám học trò luôn hỏi bao giờ cô mới khỏi. Với mái tóc giả, giọng nói truyền cảm, nữ giáo viên dần trở lại công việc hằng ngày trước đó.
Hằng ngày, chị Huyền vẫn tự tin lên lớp với các học sinh thân yêu. Ảnh: NVCC.
Mặc dù vết thương ở vùng đầu do mở hộp sọ khiến chị Huyền phải trải qua những cơn đau như búa bổ, uống thuốc như cơm bữa nhưng chị vẫn cố gắng “gạn đục, khơi trong” để thay đổi lại định mệnh.
Nhiều người hỏi “Chị có hận người gây ra tội ác cho mình không?", nữ giáo viên thẳng thắn, cô cũng giống như bao người khác: Trải qua cảm giác đau đớn thà chết còn dễ dàng hơn nên không thể không căm giận cho được. Tuy nhiên, chị Huyền nhận ra rằng nếu chìm đắm trong hận thù sẽ không xứng đáng với những gì cha mẹ, người thân đã vì mình. Chị dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí để tiếp tục cuộc sống thứ 2 mà mọi người đã trao tặng. Từ những suy nghĩ đó, cô giáo Huyền đã nỗ lực mỗi ngày để hôm nay tốt hơn ngày qua, sống một cuộc đời trọn vẹn.
Chị Huyền thời điểm chưa bị tạt axit. Ảnh: NVCC.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác là người đồng hành cùng chị Huyền trong suốt quá trình phục hồi lại khuôn mặt biến dạng. Đây là bệnh nhân nghiêm trọng nhất trong thời gian đó nhưng luôn suy nghĩ tích cực, tạo thêm niềm tin cho những người khác. Suốt thời gian điều trị ở bệnh viện, nữ giáo viên còn nhận dạy kèm cho con của các điều dưỡng. Chị mua các khóa học tiếng Anh online để nâng cao kiến thức.
“Mỗi ngày, tôi đi dạy học được gặp các em nhỏ đáng yêu, đồng nghiệp đáng mến. Trở về bên gia đình là bố mẹ, con gái yêu và tất cả bạn bè, hàng xóm đều tốt bụng. Tôi đang sống trong tình yêu thương, bao bọc của tất cả mọi người, lòng hận thù đã không còn. Tôi thấy cuộc sống của mình trong trẻo và an yên”, chị Huyền tâm sự.
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Người đàn ông phát hiện khối u ác tính từ dấu hiệu đơn giản
- Cực hiếm: Bé gái 'vượt ngàn chông gai' chào đời với 9 vòng dây rốn quấn cổ